Theo Reuters, ngoài việc hối thúc về hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu Nga rút quân về nước và kêu gọi các bên liên quan chấm dứt những hành động thù địch.
Toàn bộ nội dung dự thảo nghị quyết đã được gửi tới 193 nước thành viên LHQ hôm 15/2. Đại hội đồng nhiều khả năng sẽ tiến hành bỏ phiếu phê duyệt nghị quyết này vào ngày 23/2, sau 2 ngày lắng nghe phát biểu của đại diện hàng chục quốc gia, nhân kỷ niệm 1 năm chiến sự Nga – Ukraine.
Kiev và các đồng minh hy vọng có thể gia tăng sự cô lập ngoại giao với Moscow bằng cách giành được ít nhất 3/4 số phiếu ủng hộ của Đại hội đồng, tương đương mức ủng hộ dành cho một số nghị quyết hồi năm ngoái. Các nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng có ảnh hưởng về mặt chính trị.
Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy từ chối bình luận về dự thảo nghị quyết nói trên.
Đại hội đồng đã trở thành tâm điểm cho hành động của LHQ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine. Lí do vì, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã bị Nga, nước có quyền phủ quyết tương đương 4 nước thành viên thường trực khác là Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh, làm cho tê liệt.
Hội đồng Bảo an thay vào đó đã tổ chức hàng chục cuộc họp về Ukraine trong năm qua và dự kiến sẽ tái thảo luận về cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng vào ngày 24/2 ở một cuộc họp cấp bộ trưởng. Các nhà ngoại giao cho hay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khó có khả năng tới New York dự sự kiện này.
>> Xem thêm tin thế giới trên báo VietNamNet