Ukraine đang phải đối mặt với mối đe dọa từ hàng loạt vụ tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Đối phương triển khai vô số UAV, từ loại thương mại dùng để trinh sát đến các mẫu UAV tấn công tự sát tinh vi hơn.
Theo tạp chí The National Interest, các tên lửa Patriot do Mỹ chuyển giao có thể đánh chặn một số UAV, nhưng tồn tại vấn đề cả về chiến thuật và kinh tế. Các UAV Nga có thể dùng khả năng cơ động và những kiểu bay bám sát địa hình để “qua mặt” Patriot. Ngoài ra, việc sử dụng các vũ khí đánh chặn trị giá 3 triệu USD chỉ để tiêu diệt các UAV có giá thành rẻ hơn nhiều, thực sự không kinh tế.
Đáng chú ý, khi nguồn cung tên lửa đánh chặn từ thời Liên Xô của Ukraine dự kiến sẽ sớm cạn kiệt và nguồn tiếp tế tên lửa Stinger của Mỹ cũng lâm vào tình cảnh tương tự, Patriot có thể trở thành vũ khí phòng thủ duy nhất Kiev còn trong tay để chống lại ưu thế trên không của Nga.
Rắc rối ở chỗ, Mỹ không thể gửi thêm tên lửa đánh chặn Patriot cho Ukraine. Một lí do được giới quan sát chỉ ra là, đây là thứ vũ khí quý giá. Năm nay, Washington chỉ mua 252 tên lửa Patriot PAC-3 MSE cho toàn bộ quân đội Mỹ và phần lớn số này sẽ được dùng để thay thế dần những mẫu tên lửa đánh chặn cũ hơn.
Về mặt kỹ thuật, mặc dù là một mẫu tên lửa đánh chặn hàng đầu về công nghệ nhưng Patriot không thể phát huy hết tác dụng nếu phải hoạt động đơn độc. Patriot có khả năng hạn chế trong việc bảo vệ các tài sản quan trọng và được thiết kế để hoạt động phối hợp với các hệ thống phòng không chuyên tập kích những mục tiêu ở độ cao lớn hơn hoặc thấp hơn.
Nếu không có các hệ thống bổ trợ này, Patriot phải đối mặt với quá nhiều mối đe dọa và hậu quả sẽ là rào chắn phòng không lỏng lẻo, không đủ sức bảo vệ các tài sản hoặc nhanh chóng suy giảm khả năng bảo vệ khi hệ thống cạn kiệt tên lửa.
Một bất lợi nữa là, bản thân các hệ thống Patriot cũng rất dễ bị tổn thương. Việc vận hành thiết bị radar sẽ làm lộ vị trí của Patriot, khiến hệ thống trở thành mục tiêu tấn công. Điều này đồng nghĩa Patriot không phải là giải pháp toàn diện.
Nhà phân tích quân sự Geoff LaMear nhận định, việc chuyển giao vũ khí tiên tiến như trên thậm chí không giúp đạt được mục tiêu chiến lược là chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu. Theo chuyên gia này, động thái có khả năng cản trở đàm phán vì tạo ra ấn tượng lầm rằng, mối đe dọa trên không có thể được giảm bớt vô hạn định. Trong khi, quá trình thương lượng càng đình trệ lâu, các tổn thất về người và hạ tầng của Ukraine càng lớn.
Ông LaMear đề xuất Washington đi theo một mô hình khác, tập trung vào hòa giải và giảm căng thẳng. Trong đó, Mỹ nhường quyền chủ động sáng kiến và ảnh hưởng khi để các nước khác như Trung Quốc, Pháp hay Đức trở thành trung gian hòa giải hai bên xung đột.
Song, Mỹ vẫn có cơ hội đóng vai trò thiết yếu giúp chấm dứt xung đột bằng cách tận dụng thế giằng co trên chiến trường để đưa Moscow và Kiev ngồi vào bàn thương lượng hoặc ít nhất đạt thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn.
“Sức mạnh của ngoại giao chứ không phải các hệ thống vũ khí giữ vai trò quyết định. Washington có thể thu được nhiều bằng cách làm ít hơn. Con đường dẫn đến hòa bình ở Ukraine không được xây đắp bằng vũ khí mà là sự khéo léo về ngoại giao”, ông LaMear kết luận.