"Liên minh xe bọc thép" được Ba Lan và Đức đề xuất. Một số nước ủng hộ sáng kiến này còn có Anh, Thụy Điển và Italia.
Phó Thủ tướng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết hôm 26/3, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã tổ chức cuộc họp đầu tiên ở Warsaw để xây dựng liên minh nhằm tăng cường năng lực thiết giáp cho Ukraine. Nói với trang tin TVP World của Ba Lan, ông Kosiniak-Kamysz cho hay liên minh mới sẽ tập trung vào hỗ trợ xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev. Song ông không tiết lộ Ba lan có sớm gửi thêm xe bọc thép và xe tăng tới Ukraine hay không.
Chia sẻ với hãng tin Sputnik, Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Earl Rasmussen nhận định liên minh mới bao gồm việc thành lập các cơ sở sửa chữa, đào tạo kíp lái xe bọc thép và kỹ thuật viên, cũng như cung cấp vũ khí và đạn dược.
Theo ông, đây không phải là liên minh đầu tiên do các nhà tài trợ phương Tây ủng hộ Ukraine thành lập. Song nỗ lực này khó có thể tác động tới tình hình ở tiền tuyến trong xung đột Nga - Ukraine.
“Có thể liên minh sẽ cung cấp một số khóa đào tạo chung, nhưng điều đó đáng lẽ phải được thực hiện từ trước. Rất nhiều chuyện có thể được thực hiện trong 4 hoặc 8 năm qua. Nhưng chúng đã không được thực hiện, nên sẽ không thể tác động đến diễn biến và kết quả của cuộc xung đột”, ông Rasmussen nói.
Cũng theo ông, các nhà thầu quốc phòng phương Tây như Rheinmetall từng công bố nhiều kế hoạch như thiết lập cơ sở sản xuất ở Ukraine. Song ông cho rằng, những ý tưởng này rất rủi ro và tốn kém khi phải đối mặt với mối đe dọa thường xuyên từ các cuộc tấn công của Nga.
“Sẽ có những tổn thất tài chính và con người. Những sáng kiến này đều không thể tác động đến kết quả xung đột. Thật không may, nhiều chính trị gia vẫn chưa hiểu điều đó”, cựu tướng quân đội Mỹ cho hay.
Mỹ và các đồng minh NATO ở châu Âu đã chuyển vũ khí và thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD, cũng như thành lập nhiều liên minh để hỗ trợ cho Kiev, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Dù nhận được sự hỗ trợ lớn từ phương Tây, nhưng năng lực chiến đấu của quân đội Ukraine vẫn không thể sánh ngang với Nga.
Cụ thể, Kiev vẫn đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và vũ khí, khiến các binh sĩ Ukraine không thể tấn công những mục tiêu của Nga. Hồi tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thừa nhận hàng ngày quân đội nước này đang bắn số đạn dược chỉ bằng 1/3 so với Nga.
Dù Ukraine đang tự sản xuất thêm các loại vũ khí, nhưng cũng không thể so sánh với tốc độ và quy mô lớn như Nga.
Trong tháng 2, Nhà Trắng cho biết chính sự thiếu thốn của Ukraine đã giúp quân đội Nga giành được ưu thế lớn đầu tiên sau nhiều tháng. Tuyên bố này nhắc tới việc Nga giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka ở khu vực Donetsk thuộc miền đông Ukraine.
Còn hiện tại, gói viện trợ bổ sung 60 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất hỗ trợ cho Ukraine vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.