Đủ loại mỹ phẩm không nguồn gốc bị phát hiện, thu giữ
Ngày 29/12, Tổ Y3/141 Công an TP Hà Nội cho biết, tổ công tác đã bàn giao 2 đối tượng và hai thùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cho Công an phường Nhật Tân, quận Tây Hồ tiếp tục điều tra xử lý.
Trước đó, tổ công tác Y3/141 phối hợp Công an phường Nhật Tân, quận Tây Hồ xử lý vi phạm trên tuyến phố Lạc Long Quân. Lực lượng chức năng đã phát hiện một đôi nam nữ (Lê Hữu L. và Nguyễn Thị L. cùng SN 2000, trú tại Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) điều khiển xe máy chở hai thùng carton có biểu hiện khác thường nên tiến hành dừng xe kiểm tra hành chính.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong 2 thùng carton chứa: 33 hộp sữa rửa mặt nhãn hiệu KIEHL'S, 20 tuýp sữa rửa mặt nhãn hiệu ZAP/YT, 12 hộp son dưỡng nhãn hiệu MAC, 20 hộp tẩy da chết nhãn hiệu The Ordinary. Đối tượng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên.
Trước đó, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội cũng đã phát hiện và thu giữ hơn 1.000 lọ mỹ phẩm nhập lậu.
Cụ thể, vào tối ngày 17/12, tổ công tác của Đội CSGT số 6 khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự giao thông tại ngã tư Trần Thái Tông - Tôn Thất Thuyết đã phát hiện một thanh niên điều khiển xe tải BKS 29H - 376.xx có dấu hiệu nghi vấn đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra.
Qua kiểm tra, bên trong thùng xe tải có chứa 10 kiện hàng là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được dán nhãn mác tiếng nước ngoài. Danh tính lái xe được làm rõ là Đinh Văn G. (SN 1981 trú tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn). Tài xế Đinh Văn G. không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng trên.
Tổ công tác đã bàn giao vụ việc cho Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Cầu Giấy mở rộng điều tra xử lý.
Ngăn chặn những nguy hại tiềm ẩn từ mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc
Liên quan đến tình hình tội phạm kinh tế, gian lận thương mại có dấu hiệu gia tăng mạnh vào dịp cuối năm, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, không chỉ lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để kinh doanh hàng hóa vi phạm theo hình thức phân phối qua thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội. Các đối tượng còn lợi dụng vận chuyển bằng hình thức chuyển phát bưu điện hoặc chia nhỏ số lượng để vận chuyển nhằm "né" sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Trước những mối nguy hại tiềm ẩn từ mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc đến sức khỏe người tiêu dùng, theo ông Trần Việt Hùng, Ban Chỉ đạo 389/TP đã ban hành Quyết định số 361/QĐ-BCĐ389/TP về việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thiết bị y tế... trên địa bàn.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389/TP chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra về giấy phép kinh doanh, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa; vi phạm về hàng giả, sở hữu trí tuệ, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, đăng ký lưu hành, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Từ đó, kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua mỹ phẩm của những cơ sở có uy tín, không nên mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa như: hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng… Đặc biệt, đối với các sản phẩm có giá rẻ bất thường so với thị trường, người tiêu dùng nên có sự cảnh giác. Bởi sản phẩm này có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả,... Khi phát hiện các sai phạm, người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời cho các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. |
Theo Sức khỏe & Đời sống