Theo số liệu của Global Petrol Prices ngày 10/7, giá xăng nhiên liệu của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.956 đồng/lít, Lào là 32.698 đồng/lít và Campuchia là 27.489 đồng/lít.
Trong khi đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 11/7, giá xăng E5 RON92 bán ra trên thị trường trong nước là 20.410 đồng/lít và xăng RON95 là 21.490 đồng/lít, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (30.649 đồng/lít).
"Qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng nhiên liệu tại Việt Nam hiện thấp hơn so với mặt bằng chung", Bộ Tài chính thông tin trong một văn bản trả lời cử tri Đồng Nai hồi tháng 8.
Tuy nhiên, từ đó đến nay giá xăng dầu ở Việt Nam đã tăng mạnh với nhiều kỳ tăng giá liên tiếp.
Hiện nay, giá xăng E5 là 23.330 đồng/lít. Giá xăng RON95 là 24.600 đồng/lít. So với kỳ điều chỉnh ngày 11/7, giá xăng E5 đã tăng xấp xỉ 3.000 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 3.110 đồng/lít.
Dữ liệu của Global Petrol Price cập nhật ngày 28/8 cho thấy giá xăng của Việt Nam cao hơn 39 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Indonesia có giá xăng thấp hơn Việt Nam khi có mức giá lần lượt là 10.689 đồng/lít và 21.258 đồng/lít. Còn lại các quốc gia khác đều có giá xăng cao hơn của Việt Nam.
Các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Lào có giá xăng là 32.724 đồng/lít, Campuchia là 30.663 đồng/lít.
Singapore là quốc gia có giá xăng đắt nhất Đông Nam Á với hơn 50.000 đồng/lít.
Trước diễn biến khó lường của các yếu tố quốc tế ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành Chỉ thị đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, "tư lệnh" ngành công thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan.
Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối được giao đảm bảo đủ tổng nguồn cung tối thiểu năm 2023 (cả về số lượng, chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.
Bên cạnh đó, phải dự trữ đủ sản lượng, đảm bảo cung cấp cho thị trường nội địa trong mọi tình huống; tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ).
Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý, để không gián đoạn nguồn cung.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các cục, vụ theo dõi sát thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu năm nay của các thương nhân đầu mối kinh doanh.
Trường hợp cần thiết, các đơn vị tham mưu cho lãnh đạo bộ điều chỉnh phân giao tổng nguồn tối thiểu và quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu, mua hàng trong nước; bổ sung hạn mức nhập cho một số thương nhân có năng lực, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.