Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ 19 tuổi, đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì nuốt phải bàn chải đánh răng. Được biết, bệnh nhân trong lúc vừa đánh răng vừa cười đùa đã nuốt nguyên chiếc bàn chải đánh răng. Các bác sĩ tiến hành nội soi phát hiện chiếc bàn chải đánh răng trong dạ dày và lấy ra an toàn.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam 69 tuổi, đến khám bệnh vì nuốt cầu răng giả bị rơi ra trong quá trình ăn uống. Người bệnh đã được tiến hành nội soi phát hiện dị vật là cầu răng giả dài 4cm nằm trong dạ dày và nhanh chóng gắp ra ngoài an toàn.

{keywords}
Cầu răng giả được lấy ra từ dạ dày bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trường hợp tiếp theo là bệnh nhân nam 61 tuổi, nuốt phải viên thuốc còn nguyên vỏ. Khi uống thuốc, bệnh nhân sơ ý quên tách khỏi vỉ khiến viên thuốc có cạnh sắc nhọn mắc ở thực quản. Bệnh nhân sau đó được tiến hành nội soi phát hiện và lấy dị vật ra nhanh chóng.

Cuối cùng là trường hợp bệnh nhân nữ, 82 tuổi, đến bệnh viện vì bị mắc nghẹn cục thịt lớn ở thực quản. Đáng lưu ý, cách đây 1 năm bệnh nhân đã từng bị nghẹn bã thức ăn. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành nội soi phát hiện khối thức ăn lớn lấp đầy lòng thực quản đoạn 1/3 dưới và gắp ra ngoài.

Nuốt phải dị vật vào đường tiêu hóa là một tai nạn thường gặp. Trong phần lớn các trường hợp, dị vật bị nuốt vào sẽ tự trôi qua ống tiêu hóa trước khi được đào thải ra ngoài qua phân. Tuy nhiên, đôi khi các dị vật không tiếp tục di chuyển mà bị tắc lại ở một chỗ hẹp gây ra viêm, loét, thậm chí thủng đường tiêu hóa, ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân.

Theo bác sĩ Trần Quốc Tiến, Giám đốc Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ gặp biến chứng sau khi nuốt dị vật chiếm dưới 5% số ca thực hiện. Tỷ lệ này phụ thuộc vào loại dị vật, vị trí và thời gian từ khi nuốt dị vật. Thường gặp nhất là biến chứng do dị vật thực quản.

Cụ thể: dị vật vùng hầu họng có thể gây rách niêm mạc, nuốt khó; dị vật thực quản có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: thủng thực quản, áp xe thực quản, viêm trung thất, thủng các mạch máu lớn vùng cổ, động mạch chủ ngực, tràn khí màng phổi, rò khí quản - thực quản, rò thực quản - động mạch chủ là biến chứng có thể gây tử vong rất nhanh và rất khó điều trị kịp thời.

Bệnh nhân gặp dị vật ở dạ dày và ruột non có thể thủng, áp xe trong ổ bụng, viêm phúc mạc hay tắc ruột. Đây cũng là những biến chứng nặng, cần can thiệp sớm bằng phẫu thuật.

Để phòng tránh dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ Trần Quốc Tiến khuyến cáo: Trong khi ăn, cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh trộn canh vào cơm ăn cùng một lúc, không nên vừa ăn vừa nói chuyện. Người dân cũng nên bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong, lưu ý các loại thịt cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ và lưu ý khi uống thuốc cần nhớ tách từng viên khỏi vỏ/vỉ.

Đối với người già và trẻ nhỏ, nên tránh ăn thức ăn dai, gân, da… hoặc cần cắt nhỏ nấu kỹ. Riêng người có răng giả cần thận trọng khi ăn uống, thường xuyên kiểm tra độ vững chắc của răng giả. Các bâc cha mẹ cũng nên để xa tầm tay những vật dụng hay đồ chơi nhỏ mà trẻ có thể cho vào miệng.

Đặc biệt, khi phát hiện mắc phải dị vật, người bệnh cần đến khám và điều trị can thiệp ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Đặc biệt không nên tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị mẹo theo dân gian rất nguy hiểm và làm bệnh phức tạp thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguyễn Liên

Hàng loạt trẻ phải nhập viện điều trị tại Nhi trung ương vì cúm mùa

Hàng loạt trẻ phải nhập viện điều trị tại Nhi trung ương vì cúm mùa

 - Theo thống kê của Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần khoa tiếp nhận từ 100-130 bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau.