Trong khi không hề có những lý do rõ ràng để giải thích tại sao phái nữ bị yếu thế trong các trò chơi điện tử, thì thực tế đã cho thấy rằng rất ít game thủ nữ thành công trong cuộc cạnh tranh giữa các game thủ chuyên nghiệp. Có lẽ một game thủ nữ chuyên nghiệp hiếm hoi nhận được nhiều sự chú ý và công nhận, đó là Sasha "Scarlett" Hostyn, một thành viên xuất sắc của đại gia đình Starcraft II.
Dù đã hết sức nỗ lực trong những cuộc thi đấu League of Legends hay Dota2,các team nữ vẫn chưa thực sự giành được nhiều thành tựu đáng kể. Dù rằng nguyên nhân chủ yếu là bởi số lượng game thủ nữ vẫn còn khá ít ỏi, nhưng những thất bại đó khiến cho phái nữ bị kì thị khá gay gắt trong cộng đồng gamer.
Các nữ game thủ thường xuyên gặp nhiều rắc rối khi công khai giới tính trên các game online, như bị làm phiền bởi những trò trêu chọc, tán tỉnh, và thường xuyên phải đối mặt với những phát ngôn vô cùng bất nhã.
Trên thực tế, thật sự có rất ít những giải đấu eSports được tổ chức riêng cho phái nữ, và họ chỉ còn cách chen chân vào những cuộc thi giành cho phái mạnh. Lẽ dĩ nhiên, họ đã chịu đựng vô số sự chỉ trích và châm chọc từ những người theo trường phái anti game thủ nữ.
Thậm chí có những game thủ nổi tiếng đã công khai thể hiện sự phân biệt đối xử với phái yếu, nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng và những nhà tài trợ. Điều này đã chứng minh, rào cản lớn nhất ngăn bước game thủ nữ tiến vào con đường chuyên nghiệp, đó chính là sự kì thị và đối địch từ phía cộng đồng.
Thêm vào đó, để có thể tập trung cho những cuộc thi đấu eSports, các team thường phải sống cùng nhau và dành hầu như mọi thời gian có thể để bàn bạc chiến thuật, luyện tập các kĩ năng và phối hợp nhuần nhuyễn. Vậy nên khi game thủ nữ tham gia vào một team hỗn hợp nhiều giới tính sẽ gặp phải khá nhiều sự bất tiện, và có thể trở thành tâm điểm để các thành viên khác đổ lỗi cho thất bại của cả team.
Còn với những team chỉ gồm các thành viên nữ, như đã nói ở trên, phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng đã tạo ra không ít áp lực cũng như dập tắt những hy vọng mong manh vừa mới được nhen nhóm.
Họ cũng thường bị mỉa mai rằng các thành viên trong team nữ chủ yếu được lựa chọn vì nhan sắc, chứ ít liên quan đến tài năng thực sự. Một ví dụ điển hình, khi nữ game thủ đầu tiên, Kim "Eve" Shee-Yoon, được tuyển vào một team Starcraft II, thay vì những lời chúc mừng hay lễ kỉ niệm, thì tất cả những gì Eve nhận được là cuộc tranh cãi bất tận về lý do thật sự khiến cô được nhận, bởi cô vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của một game thủ chuyên nghiệp, thậm chí có phần thua kém một số game thủ nghiệp dư khác.
Điều này cũng không quá khó hiểu, bởi một số team thường lựa chọn thành viên dựa trên những tiềm năng trong tương lai, chứ không phải chỉ căn cứ vào các kĩ năng hiện có. Và đáng lẽ mọi chuyện đã không quá ầm ĩ đến thế, nếu không tồn tại thái độ ganh ghét từ phía cộng đồng game thủ đối với bất cứ cơ hội nào để phái nữ trở thành gamer pro, dù rằng chẳng có bất cứ lý do nào chứng tỏ rằng họ đang cố tranh giành những vị trí “vốn dĩ thuộc về phái mạnh”.
Nếu cộng đồng eSports có chút công bằng và thân thiện hơn với một nửa còn lại của thế giới, thì hẳn không ít ước mơ nhỏ nhoi của game thủ nữ đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, khó có thể hy vọng sẽ có thể lập tức thay đổi những thói quen và cách nghĩ sai lệch vốn đã in hằn trong tâm trí các gamer chuyên nghiệp, kể cả khi những sự kì thị đó chỉ chiếm một phần nhỏ.
Đối với vấn đề này, có lẽ các giải đấu dành riêng cho phái nữ sẽ là giải pháp hữu ích nhất, để các game thủ nữ có nhiều hơn cơ hội cọ sát thực sự và chứng minh tài năng của mình, lấy đó làm nền tảng để tiến xa hơn vào các giải đấu chuyên nghiệp.
Theo playpark