Những thất bại của quân đội Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm với Nga đang là điều rất đáng lo ngại đối với NATO. Thậm chí, một số nước thành viên NATO đã nhắc tới khả năng điều binh sĩ tới hỗ trợ Ukraine.
Điển hình, hồi tuần trước Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã một lần nữa nhấn mạnh không loại trừ khả năng NATO đưa quân từ châu Âu tới Ukraine.
Còn theo tờ Repubblica của Italia hôm 5/5 đưa tin, dưới “hình thức rất bí mật” và không thông tin chính thức, NATO đã thiết lập ít nhất “2 lằn ranh đỏ” dẫn tới khả năng can thiệp trực tiếp vào xung đột ở Ukraine.
Song theo Repubblica, hiện tại NATO vẫn không có kế hoạch hoạt động dự kiến nào liên quan tới việc triển khai quân tới Ukraine. Ngoài ra, các "lằn ranh đỏ" được mô tả chỉ nên được dùng để đánh giá về những kế hoạch tiềm năng trong trường hợp đặc biệt như có bên thứ 3 tham gia vào xung đột ở Ukraine. Khi đó, NATO có thể điều động 100.000 binh sĩ đồn trú ở châu Âu để can thiệp.
“Lằn ranh đỏ” thứ nhất tập trung vào kịch bản có sự tham gia trực tiếp, hoặc gián tiếp của bên thứ ba mà cụ thể là Belarus. Trong trường hợp này quân đội Nga sẽ có điều kiện "đột nhập qua hành lang giữa Ukraine và Belarus”.
"Thời gian gần đây, kịch bản chiến thuật này đã được một số nhà phân tích trong liên minh quân sự NATO nhận định có thể xảy ra. Điều này sẽ trực tiếp lôi kéo Minsk vào xung đột ở Ukraine. Lúc này, quân đội và kho vũ khí của Belarus sẽ rất quan trọng đối với Moscow. Và tình huống này khiến NATO có thể kích hoạt thế phòng thủ có lợi cho Ukraine", tờ Repubblica cho hay.
Trên thực tế, Tổng thống Alexander Lukashenko đã nhiều lần khẳng định Belarus sẽ không gây chiến với Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định sẽ không yêu cầu Belarus tham gia chiến sự. Ngoài ra, Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh không có ý định tấn công bất kỳ quốc gia châu Âu nào, đặc biệt là các nước vùng Baltic.
“Lằn ranh đỏ” thứ hai liên quan đến hành động khiêu khích quân sự chống lại các nước vùng Baltic, hoặc Ba Lan, hoặc tấn công có chủ ý vào Moldova.
Theo trang Topwar, khả năng cao lằn ranh này được các nước Baltic phát minh, bởi họ luôn lo sợ bị Nga tấn công. Theo họ, ngay sau khi giành chiến thắng trong xung đột ở Ukraine, Nga sẽ ngay lập tức tấn công các nước vùng Baltic.
Tuy nhiên, tờ Repubblica cho biết cuộc tấn công quân sự của Nga còn được xem là phép thử phản ứng của phương Tây “trong giai đoạn nhiều bối rối”. Cụ thể, mùa bầu cử ở châu Âu và Mỹ “có thể khiến Điện Kremlin nghĩ rằng NATO đang bị phân tâm, song liên minh quân sự sẽ không dung thứ cho các hành động gây hấn”.
Còn theo RBC Ukraine, hồi đầu tháng 4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố không loại trừ khả xung đột ở Ukraine có thể kéo dài nhiều năm.
Theo ông, có hai kịch bản là các đồng minh NATO có thể hỗ trợ Ukraine, và các lực lượng vũ trang Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn, nếu không "tình hình ở Ukraine có thể còn trở nên nguy hiểm hơn".
Trong khi đó, Tổng cục Tình báo Ukraine (GUR) cho rằng Nga có thể tấn công và giành quyền kiểm soát các nước vùng Baltic. Theo đại diện GUR Vadym Skibitskyi, quân đội Nga sẽ chỉ cần một tuần cho công việc này, trong khi phản ứng của NATO sẽ mất cả thập kỷ.
Về phần mình, Moscow coi xung đột ở Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây chống lại Nga. Theo Nga, hành động cung cấp vũ khí và đào tạo binh sĩ cho Kiev đã khiến Mỹ và NATO trở thành các bên can dự trực tiếp vào xung đột.