Theo Asia Times, tờ The Conversation mới đây đã có bài phỏng vấn với ông Gregory Treverton, thành viên Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ dưới thời ông Obama, nhằm tìm hiểu về khả năng can thiệp của chính quyền Tổng thống Joe Biden với chiến dịch quân sự của Israel.

Cảnh báo của Mỹ với Israel có phải là một nước đi ngoại giao thường thấy?

Ông Treverton nhấn mạnh, lời cảnh báo về việc Mỹ ngừng viện trợ vũ khí cho Israel nếu tiến quân vào Rafah không phải là điều hiếm gặp.

Trong lịch sử, đã có nhiều đời Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ sự không hài lòng với Tel Aviv, điển hình là vào năm 1973, khi cuộc xung đột giữa Israel và liên minh Ảrập nổ ra.

Tại thời điểm đó, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Israel tuân thủ nghị quyết ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một động thái được cả Liên Xô ủng hộ. Tuy vậy, Tel Aviv đã lẩn tránh vấn đề này trong một thời gian tương đối dài.

"Nhiều trường hợp, Tổng thống Mỹ buộc phải nói với Israel 'hãy làm điều này đi', nhưng câu trả lời của Tel Aviv luôn là 'chưa đến lúc'. Như vậy, tình hình hiện nay ở Gaza không phải là chưa từng có tiền lệ", ông Treverton nhận xét.

Theo cựu quan chức Mỹ, các quốc gia trở thành đồng minh là do lợi ích chung, nhưng không phải lúc nào chúng cũng giống nhau hoàn toàn. Nước Mỹ từng có rất nhiều đồng minh hành động theo những gì họ muốn, không phải theo mối quan tâm của Washington.

"Ở thời điểm hiện tại, chính phủ Israel bị chi phối rất nhiều bởi phe cực hữu, và nhiều quan chức trong chính quyền của ông Netanyahu không quan tâm đến việc Mỹ muốn gì. Thủ tướng Netanyahu tất nhiên phải nghĩ tới tiền đồ chính trị của mình, và ông ấy sẽ lắng nghe cánh hữu chứ không phải Tổng thống Biden", ông Treverton nhận định.

WE6D7UXN4JLDTAMUOFA62J2TVU.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters

Tầm ảnh hưởng chính trị của Mỹ lên Israel có giới hạn ra sao?

Theo ông Treverton, chính phủ Mỹ thực sự phải cân nhắc tới việc dừng viện trợ vũ khí cho Israel. Chính quyền của ông Netanyahu đã tiến quân vào Rafah, dù Washington đã "đặc biệt yêu cầu" Tel Aviv không làm điều này, trừ khi có thể đảm bảo an toàn cho thường dân Palestine.

"Ông Biden không cần thiết phải đưa ra những tuyên bố kiểu 'lằn ranh đỏ', chúng không có quá nhiều tác dụng. Thay vào đó hãy đưa ra một cảnh báo rõ ràng về việc tiến công Rafah sẽ ảnh hưởng tới viện trợ quân sự Mỹ dành cho Israel trong tương lai", ông Treverton nói.

Việc xung đột Dải Gaza kéo dài sẽ khiến cho dư luận và chính trường Mỹ tiếp tục bị chia rẽ, và đây cũng là một nguyên nhân mà ông Biden muốn Israel kết thúc chiến dịch quân sự càng sớm càng tốt. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có một kịch bản rõ ràng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, liệu Israel sẽ quản lý Gaza, hay một giải pháp hai nhà nước sẽ được tính tới?

Tại sao Israel quyết tâm tiến vào Rafah?

"Theo góc nhìn chính trị của Israel, chiến dịch ở Rafah phải được tiến hành. Đây là bước cuối cùng để loại bỏ Hamas. Nhưng vấn đề chính là các bên liên quan đều hiểu rằng Tel Aviv không có cách nào để tiêu diệt Hamas 'hoàn toàn'", ông Treverton nói.

Thực tế, Hamas không thực sự có tầm ảnh hưởng quá lớn ở Gaza trước tháng 10/2023, bởi lực lượng này có cách quản lý không đúng đắn. Nhưng cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Israel đã thay đổi tất cả, khiến cho vấn đề Palestine trở lại các chương trình nghị sự trên toàn cầu. Ngay cả tại Bờ Tây và Ảrập, vấn đề Palestine cũng trở thành mối quan tâm chính sau một thời gian dài bị lãng quên.

"Mục tiêu hàng đầu của Israel vẫn là Hamas, họ không muốn nguy cơ tương tự tái diễn. Nếu các thủ lĩnh còn lại của Hamas đang ở Rafah, thì Israel sẽ tấn công", cựu quan chức Mỹ nhận xét.