Theo báo cáo mới đây của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, ô tô Honda Việt Nam có tỷ lệ nội địa vẫn còn rất thấp.
Hiện nay, các linh kiện phục vụ lắp ráp ô tô của HVN hầu hết đều phải nhập khẩu (chiếm trên 90%), chỉ có một số ít các linh kiện kim loại đơn giản như chi tiết cho ghế xe; linh kiện nhựa, nội thất,.. là được mua tại Việt Nam (chỉ chiếm từ 1-5%).
Trong 3 năm qua, số lượng nhà cung cấp tham gia chuỗi cung ứng của HVN ô tô đã tăng từ 16 năm 2018 lên 26 nhà cung cấp năm 2021, nhiều nhất là các Công ty cung ứng linh kiện kim loại (tăng 5 doanh nghiệp).
Linh kiện nhựa, cao su, từ chỗ không có đơn vị cung cấp nào, đến 2021 đã có 3 DDI tham gia được vào chuỗi, còn lại là linh kiện điện tử (tăng thêm 2 doanh nghiệp).
Ở Vĩnh Phúc hiện chỉ có 1 công ty DDI là Thiện Mỹ đang cung cấp phần xi mạ các sản phẩm nhựa tô tô cho nhà cung cấp lớp 1 của HVN là Công ty Nhựa Hà Nội. Ghế xe của HVN do 1 công ty FDI Đài Loan cung cấp, đã có nhà cung cấp lớp dưới làm phần cơ khí - cũng là FDI Đài Loan, do đó Công ty Thành Thắng chưa vào được chuỗi ô tô của HVN.
Tương tự, một công ty ô tô FDI khác tại Vĩnh Phúc là Daewoo Bus Việt Nam (Vidabus) cũng vắng bóng doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng.
Là thành viên của Daewoo toàn cầu Hàn Quốc, Vidabus bắt đầu sản xuất vào năm 2007 tại Vĩnh Phúc, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về ô tô khách. Năm 2020, sản lượng Vidabus đạt 250 xe. Năm 2021 tăng lên 600 xe và 2024 sẽ nâng cao năng lực để đạt 1.600 xe.
Tỷ lệ nội địa hóa của Vidabus hiện đạt khoảng 30%, chủ yếu sản xuất tại nội vi nhà máy. Với sản lượng nhỏ, các doanh nghiệp cung ứng cho Vidabus nằm phân tán và cũng chỉ một số sản phẩm, như kính xe, ắc quy, tấm trải sản, tấm ốp trần. Còn lại phần lớn các linh kiện chế tạo đều phải nhập khẩu. Phần linh kiện dập là thế mạnh của DDI Vĩnh Phúc thì Vidabus đã có xưởng tự sản xuất, nên hiện chưa có doanh nghiệp Vĩnh Phúc nào cung ứng cho Vidabus.
Hoàng Hiệp