Ngay cả khi công ty đang mất tiền, ngập trong nợ nần và đối mặt với nguy cơ phá sản, trở thành Tổng Giám đốc (CEO) nhà sản xuất chip Advanced Micro Devices (AMD) vẫn là công việc trong mơ với Lisa Su. Trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 2020, bà chia sẻ bản thân “thực sự phấn khích” khi nhận chức CEO. Bà yêu thích cảm giác được đi quanh Best Buy và nhấc một chiếc laptop lên, biết rằng vi chip hay bộ xử lý do công ty của mình tạo ra đang nằm trong đó.
Không phải người nào cũng có đam mê mãnh liệt như vậy. Khi bà Su nắm quyền điều hành AMD năm 2014, cổ phiếu của hãng đang “mò đáy”. Tuy nhiên, bà lại là người ưa mạo hiểm. Bà phải đưa ra những ván cược táo bạo để xoay chuyển AMD.
Lisa Su, người có bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ kỹ thuật điện tử tại Viện Công nghệ Massachusetts, quyết định công ty sẽ đặt cược vào phát triển công nghệ cho các ứng dụng điện toán hiệu suất cao. Điều đó giúp AMD làm chủ công nghệ quan trọng thế hệ tiếp theo, bao gồm điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và game.
Những công nghệ này đang thống trị thế giới nhưng bà Su đã bắt đầu đặt nền móng từ năm 2014.
Mảng kinh doanh rủi ro
Ngành công nghiệp bán dẫn vốn không dành cho người yếu tim. Mỗi chu kỳ phát triển sản phẩm mới mất khoảng 3 đến 5 năm, vì vậy các công nghệ mà doanh nghiệp đang tạo ra ngày nay phải là những gì khách hàng đang tìm kiếm trong một vài năm tới.
Thành công không thể nhờ “ăn xổi”. Để thu hút các khách hàng cao cấp, họ phải tạo ra một lộ trình công nghệ, cho thấy công ty có thể liên tục tung ra các bản cập nhật hiệu suất cao và các sản phẩm mới. Theo bà Su, “điều quan trọng nhất với chúng tôi năm 2014 là đầu tiên, chọn lựa đúng thị trường tốt cho công nghệ. Nó không phải những gì bạn đang làm bây giờ mà là những gì sẽ làm những năm tiếp theo mà mọi người chú ý”.
Ván cược đã được đền đáp. Ngày nay, AMD đang khám phá những đỉnh cao mới trên sàn chứng khoán. Từ khi bà Su trở thành CEO tháng 10/2014, cổ phiếu đã tăng giá từ khoảng 3 USD lên hơn 200 USD thời điểm hiện tại.
Tìm ra điểm mạnh thực sự của AMD
Vài năm trước khi có thủ lĩnh mới, AMD phải thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, rút lui khỏi một số lĩnh vực kinh doanh, bao gồm từ bỏ quyền sở hữu xưởng đúc bán dẫn. Khi bà Su nhậm chức, một số quyết định lớn nhất của bà chính là chọn xem không làm gì.
Bà cho biết điều tối quan trọng với một hãng công nghệ là xác định được điểm mạnh thực sự vì “bạn phải là tốt nhất, số 1 hoặc số 2”. Tuy nhiên, nó đồng nghĩa với việc cần suy nghĩ nghiêm túc về lĩnh vực nào AMD ít có khả năng thống trị. Cuối cùng, công ty quyết định không theo đuổi công nghệ cho di động hoặc cảm biến cho thiết bị IoT, những lĩnh vực đầy hứa hẹn nhưng nằm ngoài năng lực cốt lõi của họ.
Thay vào đó, AMD đặt cược vào kiến trúc điện toán hiệu suất cao, bao gồm bộ xử lý máy tính mạnh mẽ và chip đồ họa dùng trong game, AI, siêu máy tính… AMD phát triển những con chip nhanh và mạnh, thường bán giá thấp hơn đối thủ.
Đây là chiến lược đặc biệt quan trọng với một công ty mà vào thời điểm đó đang vật lộn để tìm ra lối đi ngách trong thị trường đang nằm trong tay số ít người chơi.
Các sản phẩm của AMD thuyết phục đến nỗi Bộ Năng lượng Mỹ đã chọn chip của AMD cho dự án siêu máy tính tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở Tennessee.
Kế hoạch tham vọng
Các công ty bán dẫn thường áp dụng chu kỳ phát triển “Tick Tock”: luân phiên giữa cải tiến quy trình sản xuất bán dẫn và cải thiện chi tiết thiết kế bên trong con chip. Bằng cách này, nếu có gì đó không hoạt động, rất dễ để biết phần nào của hệ thống bị hỏng.
Song, AMD đang tuyệt vọng để bứt phá, vì vậy, họ đưa ra kế hoạch liều lĩnh là xử lý cả hai đồng thời, tạo ra danh mục sản phẩm hoàn toàn mới. Nhà phân tích Hans Mosesmann nhận xét họ đã đặt cược lớn vào công nghệ xử lý, kiến trúc, đóng gói. Nó là kế hoạch nghìn năm có một và nếu thành công, có thể ví như việc liên kết các hành tinh. Một số khách hàng của AMD còn hoài nghi về khả năng thực hiện chiến lược tham vọng này.
Tuy nhiên, AMD đã làm được và làm tốt. Công ty giới thiệu danh mục sản phẩm mới đầu tiên từ nỗ lực này – bộ xử lý desktop Ryzen và bộ xử lý máy chủ Epyc – vào năm 2017. Các thế hệ tiếp theo hoàn toàn thuyết phục được thị trường.
Hãy nỗ lực và sẽ được đền đáp
Không phải ngẫu nhiên mà AMD xoay chuyển cục diện được như vậy. Bà Su chia sẻ phong cách lãnh đạo của mình đơn giản chỉ là sự nỗ lực, quyết tâm sẽ được đền đáp. “Tôi luôn động viên mọi người tập trung và quyết tâm thành công, ngay cả khi đối mặt thách thức lớn”. Bà mong đợi đồng nghiệp cũng làm việc với sự tập trung và cố gắng tương tự.
Đánh giá về thành tích của AMD dưới sự dẫn dắt của CEO Lisa Su, chuyên gia phân tích Matt Ramsay gọi nó là “bước ngoặt kỳ diệu nhất trong lĩnh vực bán dẫn”. AMD cạnh tranh với cả hai đối thủ lớn hơn là Intel và Nvidia.
Bà Su sinh ra tại Đài Loan (Trung Quốc) nhưng theo bố mẹ đến Mỹ khi mới chập chững biết đi. Thưở nhỏ, bà thường tháo tung mọi thứ rồi lắp ráp lại. Bà chọn Viện Công nghệ Massachusetts, khoa kỹ thuật điện tử - một trong những chuyên ngành khó nhất, vì muốn thử thách bản thân. “Tôi rút ra rằng, mỗi khi chọn điều gì đó khó khăn và làm tốt, nó sẽ giúp tôi tự tin đón nhận thử thách tiếp theo. Tâm lý này đi theo tôi trong suốt sự nghiệp”.
Khi tuyển dụng, bà Su cũng tìm kiếm những nhân viên “đam mê”. Họ phải phù hợp với giá trị cốt lõi của AMD: tham vọng, cần cù, quyết tâm và tinh thần đồng đội. “Nhóm của chúng tôi có động lực cao để tạo ra những gì tốt nhất. Chúng tôi làm việc chăm chỉ để tìm ra những ‘tảng đá’ lớn – xu hướng, nút thắt cổ chai và đổi mới quan trọng – để tạo ra sự thay đổi khi phát triển thế hệ sản phẩm tiếp theo dẫn dắt ngành công nghiệp”.