Lỗ từ tháng này sang tháng khác: Không thể chịu nổi
Trao đổi với PV. VietNamNet sáng 4/10, đại diện một DN bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu đang rơi vào tình cảnh bi đát. DN này sở hữu 2 cây xăng bán lẻ, trong đó, tiền thuê mặt bằng tốn 100 triệu đồng/tháng; chi phí lương nhân viên 100 triệu đồng/tháng. Nếu trừ chi phí vận chuyển xăng dầu về các cửa hàng thì dòng tiền bị âm. Đơn cử, chiết khấu được nhận từ DN đầu mối là 50 đồng/lít, riêng tiền vận chuyển tốn 150 đồng/lít, tức là âm ngay 100 đồng/lít. Tiếp đó, cộng thêm chi phí duy trì hoạt động nên DN càng lỗ đậm, không muốn bán xăng dầu nữa.
“Chỉ trong một tháng, công ty lỗ khoảng 400-500 triệu đồng. Đây là vấn đề cấp bách đối với các công ty xăng dầu bán lẻ. Chúng tôi phải tự cứu lấy mình chứ không đợi nữa. Nếu tình hình không thay đổi, hết tháng 10, tôi trả mặt bằng và đóng cửa cây xăng. Không ai làm ăn mà chịu lỗ hết tháng này qua tháng khác được”, chủ DN này chia sẻ.
Phía DN đã có kiến nghị lên Sở Công Thương TP.HCM cũng như Bộ Công Thương nhưng dường như chưa được lắng nghe. Sở thì không có thẩm quyền quyết định còn Bộ thì cần nhiều cuộc họp, thời gian xin ý kiến các bên kéo dài.
Chủ DN cho hay, cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách phù hợp cho các đơn vị bán lẻ xăng dầu. Hiện, chiết khấu bán hàng bằng 0, kinh doanh lỗ nhưng xin tạm ngừng hoạt động thì lại bị phạt. Đại diện DN ước tính, mức chiết khấu phải từ 1.000 đồng/lít thì cây xăng lẻ mới chạm được điểm hòa vốn hoặc bắt đầu có lãi. Ngoài ra, tiền vốn các DN bỏ ra đầu tư cây xăng là hàng chục tỷ đồng, trong khi mỗi tháng lời vài triệu đồng cũng không ổn về lâu dài.
Cũng trong tình trạng kinh doanh không có lời, phải “bỏ của chạy lấy người”, đại diện một công ty bán lẻ xăng dầu khác cho hay, khó khăn chung hiện nay là nhập hàng không được, kho xăng dầu đầu mối không xuất hàng. Mặt khác, hoa hồng, chiết khấu bán hàng không có, không có lãi mà đóng cửa không xong. DN này kiến nghị phải tăng chiết khấu bán hàng trên mỗi lít xăng/dầu để duy trì hoạt động ổn định của cây xăng.
Theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh), việc điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương có vấn đề, gây bất lợi đến DN, tác động tới thị trường kinh doanh xăng dầu. Theo ông Tây, việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu là cần thiết, tuy nhiên, tư duy kìm hãm giá theo kiểu muốn xài hàng giá thấp hơn giá thị trường là một sai lầm, đi ngược với quy luật giá trị và cung cầu, có thể gây đứt nguồn cung như thực trạng xăng dầu hiện nay.
Lãnh đạo áy náy với doanh nghiệp
Trước đó, VietNamNet cũng ghi nhận thông tin từ Giám đốc Sở Công Thương tại các địa phương như Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, nhiều cây xăng muốn đóng cửa, tạm ngừng hoạt động với lý do sửa chữa. Có xây xăng xin nghỉ bán 2-3 tháng, tới tháng 11/2022 mới mở lại. Nhiều cây xăng không chịu nổi với mức chiết khấu bán hàng 0%.
Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, khẳng định, nếu cây xăng đóng cửa không đúng lý do sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo ông Phong, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, bất kỳ ai kinh doanh xăng dầu đều phải chấp nhận rủi ro. Lúc lãi, lúc lỗ và các DN tự nguyện tham gia kinh doanh lĩnh vực có điều kiện này. Do đó, DN cần hiểu, chia sẻ để vượt qua khó khăn trước mắt.
Ở góc nhìn khác, Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long - ông Phạm Tứ Phương chia sẻ, bản thân cảm thấy áy náy trong vai trò quản lý nhà nước với các điểm bán lẻ xăng dầu hiện nay. Ông kiến nghị cơ chế điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương cần linh hoạt hơn; nên giao cho DN đầu mối được phép điều chỉnh giá trong biên độ cho phép để nếu sự có sự thay đổi về giá nhiên liệu có thể kịp thời cân đối chính sách hoa hồng cho các đại lý, cây xăng bán lẻ. Còn nếu điều hành giá mà cứ chờ đến các cuộc họp thì sẽ trễ nhịp so với thực tế thị trường.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Theo ông Hải, thời gian qua việc mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp có 2 lý do.
Một là, từ năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Trong giai đoạn quý II, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, các DN đầu mối tăng mạnh lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, sang quý III, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhiều DN bị thua lỗ do đã nhập khẩu lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao còn giá xăng dầu trong nước được điều hành theo xu hướng thế giới, giảm liên tục. Để tiết giảm chi phí và giảm thiệt hại trong kinh doanh, các DN đầu mối giảm mức chiết khấu cho hệ thống phân phối.
Hai là, từ cuối năm 2021, các chi phí liên quan kinh doanh xăng dầu tăng. Dẫu vậy, việc hạn chế mức tăng của những chi phí này chưa được Bộ Tài chính - đơn vị phụ trách điều chỉnh giá cơ sở. Do đó, để bảo đảm tự duy trì hoạt động, các DN buộc phải cắt giảm các khoản chi phí, trong đó có mức chiết khấu cho hệ thống phân phối, cây xăng dầu lẻ.