Xuất khẩu chủ yếu ở phân khúc thấp
Giữa tháng 2 vừa qua, lô gạo hữu cơ của Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) được xuất khẩu sang thị trường Đức với giá 1.800 USD/tấn - mức giá cao hiếm thấy đối với gạo Việt xuất khẩu.
Bà Phạm Thị Diễm Lệ - Chủ tịch HĐQT QTOrganic, cho biết, sau lô đầu tiên, phía đối tác đặt tiếp một container 23 tấn gạo để đưa sang thị trường Pháp. “Họ muốn đặt khoảng 4 container gạo hữu cơ mỗi tháng để đưa sang thị trường châu Âu, nhưng doanh nghiệp chỉ đáp ứng được 1-2 container. Bởi, vùng trồng lúa quy mô còn nhỏ”, bà cho hay.
Cách đây không lâu, thương hiệu “Cơm Việt Nam” cũng được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp. Món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Giá bán gạo ST25 xuất sang Nhật Bản hơn 1.200 USD/tấn. Các nhà phân phối đặt vấn đề muốn mua khoảng 1.000 tấn gạo/năm để tăng quy mô bán lẻ đến các siêu thị, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, chia sẻ sau hơn một năm nỗ lực đưa gạo ST25 vào thị trường Nhật.
Những tín hiệu trên cho thấy, gạo chất lượng cao của Việt Nam dần thâm nhập được vào các thị trường khó tính. Tuy nhiên, tỷ trọng gạo Việt Nam vào được các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... vẫn rất khiêm tốn trong tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.
Giám đốc một DN ngành lúa gạo cho biết, giá gạo xuất khẩu sang các thị trường cao cấp có thể đạt 1.000-2.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức bình quân 531 USD/tấn (giá trung bình 3 tháng đầu năm 2023). Tuy nhiên, gạo Việt Nam chủ yếu vẫn xuất sang các thị trường dễ tính, ở phân khúc thấp nên giá trị thu được không cao.
Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7,17 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,49 tỷ USD, tăng 6,2% về giá trị so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Philippines năm 2022 đạt kim ngạch 1,49 tỷ USD, chiếm 42,6% tổng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam - khách hàng lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Xếp thứ hai là Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 432,3 triệu USD (năm 2022), sau đó là Bờ Biển Ngà, Ghana và Malaysia lần lượt là 294,6 triệu USD, 203 triệu USD và 198,9 triệu USD.
3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của nước ta thu về 952 triệu USD.
30 năm vươn ra thế giới, đến nay, gạo trở thành ngành hàng tỷ USD. Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thế nhưng, sau khi xác lập kỷ lục 3,65 tỷ USD vào năm 2011, thì kim ngạch xuất khẩu gạo sụt giảm và gần như đi ngang.
Ở thị trường phân khúc thấp, gạo Việt cũng đang vấp phải sự cạnh trạnh gay gắt từ gạo Ấn Độ. Còn phân khúc cao cấp, gạo Thái Lan, Campuchia lại có lợi thế hơn về thương hiệu.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chỉ rõ, ngành lúa gạo Việt đang đối mặt với nỗi lo “chạm trần”. Ông lý giải, năng suất lúa ở ĐBSCL đạt khoảng 6,2 tấn/ha - mức cao trên thế giới, song khả năng tăng năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam sẽ giảm dần do gần chạm ngưỡng trần.
Đổi chất cho 'hạt ngọc' Việt
Gạo được ví là “hạt ngọc” của Việt Nam. Sản xuất lúa gạo không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, đảm bảo an ninh lương thực mà còn đem về hàng tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn rất thấp.
Giai đoạn 2016-2022, tổng lượng gạo tiêu dùng của Việt Nam dao động từ 20-25 triệu tấn/năm, lượng gạo xuất khẩu dao động từ 5-7 triệu tấn/năm. Chuyên gia nhận định, ngành lúa gạo đã qua thời “đua sản lượng”, giờ phải chuyển qua cuộc “đua giá trị” để tăng thu nhập cho người nông dân. Bởi vậy, phải đổi chất cho hạt gạo Việt.
Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, Bộ NN-PTNT cùng các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương... đang bàn thảo xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (gọi tắt là đề án).
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, ĐBSCL là vựa lúa của cả nước. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng này những năm gần đây ổn định khoảng 24-25 triệu tấn, đóng góp trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp.
Song, hiệu quả sản xuất và thu nhập của người trồng lúa thấp, chất lượng và sức cạnh tranh của gạo xuất khẩu chưa cao. Việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhằm hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn ổn định, tạo thuận lợi để tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng chuỗi lúa gạo và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện đề án cần tới 40.000 tỷ đồng. Theo ông Lê Thanh Tùng, khi tham gia, nông dân sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa trong bốn vụ đầu liên tiếp; được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu/vụ sản xuất (thời gian vay 6 tháng).
Mục tiêu từ nay đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có 500.000ha lúa chất lượng cao. Lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 35%. Đến năm 2030, diện tích này sẽ đạt 1 triệu ha, lợi nhuận bình quân 40%.
Là DN sản xuất lúa gạo, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng, việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ, cơ giới hóa, số hóa, liên kết HTX... chính là tiền đề phù hợp với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, là cú hích để đổi chất cho hạt gạo Việt.
“Lâu nay chúng ta luôn bị động về thị trường vì làm đơn lẻ, yếu về xây dựng thương hiệu, về các tiêu chuẩn để thâm nhập vào thị trường cao cấp”, ông nhận xét. Do đó, việc triển khai đề án với các tiêu chuẩn về quy trình canh tác chuẩn quốc tế sẽ giúp tăng chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo Việt. Từ đó, giá bán gạo sẽ tăng, thu nhập của nông dân cũng được nâng cao.
Ông dẫn chứng, 1ha lúa đầu tư khoảng 1.000 USD/vụ, doanh thu sẽ đạt 1.500 USD. Năm 3 vụ xoay vòng như vậy, nông dân sẽ có khoản lợi nhuận 1.500 USD/ha. Con số này sẽ giúp nông dân gắn bó với đồng ruộng, doanh nghiệp an tâm đầu tư và vùng nông thôn trở thành nơi đáng sống.