Tạp chí Mỹ Newsweek dẫn thông tin từ bộ tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trên mạng cho hay, thời điểm bắt đầu cuộc phản công của Ukraine nhằm vào quân đội Nga đã được lên kế hoạch là ngày 30/4.
Bộ hồ sơ ghi ngày 28/2 đã nêu chi tiết việc chuyển giao thiết bị và lịch trình huấn luyện cho 9 lữ đoàn “có thể tạo ra cuộc phản công vào mùa xuân” của Ukraine, với sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh. Theo hồ sơ, 3 lữ đoàn bổ sung dự kiến sẽ được tập hợp “bên trong lãnh thổ” Ukraine.
Cũng theo hồ sơ, trong số 9 lữ đoàn được các nước phương Tây huấn luyện và trang bị vũ khí, 6 lữ đoàn sẽ sẵn sàng hoạt động vào ngày 31/3, trong khi 3 lữ đoàn “cuối cùng” sẽ sẵn sàng hành động vào ngày 30/4.
Tuy nhiên, chia sẻ với tờ The Hill trong chuyến thăm tới Mỹ hồi tuần trước, Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal cho hay cuộc phản công có thể chưa được thực hiện cho đến mùa hè năm nay.
Phát biểu với các phóng viên hôm 17/4, Thủ tướng Shmigal khẳng định vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc sẽ không làm thay đổi kế hoạch của Kiev, và nhấn mạnh “chúng tôi tin tưởng rằng cuộc phản công sẽ diễn ra trong tương lai gần nhất”.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov trước đây cho biết, chiến dịch tấn công còn phụ thuộc vào hoạt động cung cấp thiết bị hạng nặng từ nước ngoài. Vào ngày 12/4, tờ Washington Post cho hay cuộc phản công bị trì hoãn lâu nay của Ukraine là do chịu tác động của thời tiết xấu, chậm chuyển giao thiết bị và thiếu đạn dược.
Lệnh trừng phạt không thể cản trở ngành xuất khẩu dầu mỏ của Nga
Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã trở lại mức được ghi nhận lần cuối, trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Trong báo cáo dầu mỏ hàng tháng được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hồi tuần trước, lượng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đã tăng trong tháng Ba lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, tăng 600.000 thùng/ngày. Sự gia tăng này đã nâng mức doanh thu dự đoán từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga lên con số 12,7 tỷ USD vào tháng Ba.
IEA cho biết thêm, doanh thu từ dầu mỏ của Nga vẫn giảm 43% so với một năm trước, do Nga buộc phải bán dầu cho nhóm khách hàng có thể thương lượng giảm giá nhiều hơn.
Các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng của Moscow. Tuy nhiên, Nga đã tìm được những khách hàng sẵn sàng mua dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ để thay thế cho các khách hàng châu Âu.