Sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, chỉ ra một số nghi ngại về chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Theo bà Thúy, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc “xã hội hoá việc biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ SGK của tất cả các môn học.
Tới nay, việc triển khai đổi mới đã thực hiện đến những lớp cuối cùng của cả ba cấp học và chưa xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền các doanh nghiệp bỏ vào để làm SGK cũng đã lên tới 1.200 tỷ đồng.
Trước tình hình này, bà Thúy đặt ra vấn đề có cần thiết bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ SGK nữa hay không?
“Việc ra đời một bộ SGK “của Bộ” có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xoá bỏ xã hội hoá không? Có ảnh hưởng đến việc Chính phủ đang vận động các nước công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường không? Đó là những điều mà chúng ta cần cân nhắc”, bà Thúy nêu.
Theo bà Thúy, vì chưa lường trước được khả năng của tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK có đầy đủ, đảm bảo kịp thời SGK phục vụ cho đổi mới hay không nên bên cạnh việc xã hội hoá, Nghị quyết 88 của Quốc hội cũng yêu cầu: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.
Tuy nhiên, việc tổ chức biên soạn bộ SGK của Bộ GD-ĐT không thực hiện được do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết. Bộ GD-ĐT đã kịp thời chuyển sang chỉ đạo việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, trả lại cho Ngân hàng Thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD để làm bộ sách này
Qua xem xét báo cáo của Bộ GD-ĐT, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122 quy định: “Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.
Tuy nhiên theo bà Thúy, tới nay, nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK thì điều đó vừa gây lãng phí vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Vì thế, vào thời điểm này, bà Thúy cho rằng việc quyết định giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK “là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn”.
“Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK trước khi quyết định. Vì cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi”, bà Thúy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề xuất cần thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025), sau đó tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình SGK, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn.