Theo Bộ Y tế, trên thế giới, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất với hầu hết các quốc gia và khu vực. Số liệu năm 2019 cho thấy gánh nặng bệnh không lây nhiễm chiếm tới 62,5% tổng gánh nặng bệnh tật do mọi nguyên nhân. Đây là những bệnh có tỷ lệ mắc cao, là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành.
Riêng với bệnh đái tháo đường, theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới năm 2021, ước tính có khoảng 537 triệu người (chiếm 10,5% dân số thế giới) mắc loại bệnh này.
Tại Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, bệnh đái tháo đường tăng nhanh (từ 2,7% dân số năm 2002; 5,4% năm 2012,; 7,06% năm 2021 trong độ tuổi điều tra 18-69 tuổi), với gần 4,5 triệu người mắc bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Lệ Hằng, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện An Bình (TP.HCM), cứ 10 giây, thế giới lại có một người chết do các biến chứng liên quan đến đái tháo đường. Người bệnh sẽ bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ từ 2-4 lần so với người không mắc đái tháo đường, tuy nhiên nhiều người không biết.
Bác sĩ Hằng cho hay đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa, biểu hiện là tăng đường máu mạn tính cùng rối loạn chuyển hóa carbonhydrate (chất đường), lipid (chất béo), protid (chất đạm). Nguyên nhân là sự giảm bài tiết insulin của tụy hoặc hoạt động kém hiệu quả của insulin, hoặc do cả hai.
Tuy nhiên, nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi vô tình xét nghiệm máu, nước tiểu. Bên cạnh việc đo chỉ số đường huyết, các triệu chứng nhận biết một người bị đái tháo đường gồm tiểu nhiều, khát nhiều, thèm ăn, ăn nhiều nhưng nhanh đói, vết thương khó lành, sụt cân, tê đầu ngón chân và tay, hoa mắt, cảm giác mệt mỏi, nhìn mờ.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cơ chế gây biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường khá phức tạp.
Đây là hậu quả của các tổn thương mạch máu do đái tháo đường gây ra. Lượng đường huyết tăng cao kéo theo hàng loạt các rối loạn khác như rối loạn mỡ máu, rối loạn nội mô khiến mạch máu bị tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho các mảng xơ vữa hình thành, làm giảm lượng máu nuôi dưỡng tim, tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tùy theo vị trí của mạch máu bị tổn thương mà các biểu hiện lâm sàng sẽ khác nhau. Nếu tổn thương động mạch vành sẽ dẫn đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử; tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não… Đây đều là những biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Khi người bệnh đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim cấp, thiếu máu cơ tim kéo dài khiến tế bào cơ tim suy yếu. Từ đó, tim không còn đảm bảo chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể. Người bệnh bị suy tim sẽ giảm khả năng hoạt động, giảm chất lượng cuộc sống.
Hiện, khoảng 2/3 trường hợp tử vong ở người bệnh đái tháo đường là do bệnh tim mạch, trong đó 40% là do bệnh động mạch vành, 15% do các bệnh tim mạch khác (chủ yếu là suy tim) và khoảng 10% do đột quỵ. Nguy hiểm hơn, triệu chứng bệnh tim mạch thường không rõ rệt và dễ bị bỏ qua. Nhiều bệnh nhân đái tháo đường biến chứng tim mạch khi đã ở giai đoạn nặng.
“Đặc biệt, người bị suy tim nặng nếu không điều trị kịp thời sẽ đứng trước nguy cơ tử vong cao do rối loạn nhịp tim, dẫn đến đột tử”, bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh nhấn mạnh.