
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ đánh bom Iran “theo cách họ chưa từng thấy trước đây” nếu Tehran không đạt thỏa thuận hạt nhân mới với Washington. Tuy nhiên, các cơ sở quân sự của Mỹ ở khắp Trung Đông đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn từ dàn tên lửa và UAV của Iran.
Mỹ hiện có hơn 60 căn cứ, đơn vị đồn trú và cơ sở chung ở Trung Đông như trụ sở Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ ở Bahrain hay căn cứ không quân Al Udeid, trụ sở của Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM). Ngoài ra, Mỹ còn sở hữu các căn cứ hải quân, không quân và lục quân ở vùng Vịnh, vịnh Oman, Ảrập Xêút, Iraq, Jordan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng tin Sputnik, những tên lửa đạn đạo đáng gờm của Iran có thể đe dọa sự an toàn của các căn cứ Mỹ trong khu vực bao gồm Qiam-1/2 có tầm bắn từ 800 – 1.000km, trang bị đầu đạn 750kg; Haj Qasem có tầm bắn 1.400km kèm đầu đạn 500kg; Kheibar Shekan tầm bắn 1.450km với đầu đạn 500kg; Emad tầm bắn 2.000kg mang đầu đạn 750kg; Ghadr-110 tầm bắn 1.600 – 2.000km trang bị đầu đạn 1.000kg và Khorramshahr tầm bắn 2.000km, mang đầu đạn 1.800kg.
Ngoài ra, Iran còn có các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất như Abu Mahdi sở hữu tầm bắn 1.000km, trang bị đầu đạn 410kg; Paveh tầm bắn 1.650km với trọng lượng đầu đạn chưa được công bố cùng tên lửa tấn công chính xác Soumar với tầm bắn 2.500 – 3.000km, mang đầu đạn nặng từ 410 – 700kg.
Các UAV tầm xa của Iran cũng là vũ khí nguy hiểm đối với loạt cơ sở quân sự của Mỹ ở Trung Đông như Kaman-12 với phạm vi hoạt động 1.000km, trang bị đầu đạn 100kg; Shahed 129 có tầm hoạt động 1.700km, mang theo 4 tên lửa chính xác Sadid-1; Mohajer-6 di chuyển liên tục 2.400km, trang bị các đầu đạn dẫn đường chính xác và Shahed 149 có phạm vi hoạt động 2.500km, mang theo 13 quả đạn với tổng trọng lượng 500kg.
Ngoài tiềm lực quân sự, Iran còn nắm lợi thế về địa lý. Theo các chuyên gia, nếu xảy ra xung đột, với khả năng tiếp cận thường xuyên các đường bờ biển ở vịnh Ba Tư và vịnh Oman, Iran có thể thống trị tuyến đường biển xung quanh eo Hormuz. Trong khi đó, eo biển Hormuz là cửa ngõ chiến lược, nơi lưu thông 30% hoạt động thương mại dầu mỏ của thế giới.
Dãy núi Zagros ở phía tây nam Iran cũng tạo ra một rào chắn tự nhiên khiến đối phương khó xâm nhập. Dãy núi lớn nhất ở Iran hiện là nơi hoạt động của các căn cứ tên lửa dưới lòng đất và địa điểm phòng không của nước này.
Do đó, chiến thuật gây sức ép của ông Trump với Iran dường như sẽ khó thành công. Tehran đã nhiều lần tuyên bố sẽ không dung thứ trước các hành động khiêu khích, dù đối phương có mạnh tới đâu.


Iran bàn khả năng tấn công căn cứ Mỹ trước khi ông Trump hành động
