“Trong các cuộc họp, lãnh đạo so sánh tỷ lệ tham gia giữa lớp nọ với lớp kia khiến giáo viên rất khó chịu. Nhiều giáo viên thậm chí còn phải nhờ cả con, cháu lập tài khoản thi hộ để đạt chỉ tiêu”, cô P. bức xúc.
Có con đang học lớp 3 và lớp 7, chị Thu Hồng (Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy “bội thực” khi thấy “ba vạn sáu ngàn” cuộc thi xuất hiện trong các trường học. Ngoài một số cuộc thi liên quan đến kỹ năng sống, các cuộc thi khác chủ yếu tập trung ở môn Toán và Tiếng Anh, đến nỗi chị không nhớ hết được tên.
Chị Hồng kể, ngày con trai đầu mới học cấp 1, khi thấy cô giáo phát động, chị cũng cho con tham gia thử với mục đích cọ xát và “thi cho biết”. Thế nhưng không ngờ, con đi thi và đạt giải cao. Mừng vui, chị tiếp tục cho con ôn luyện và thử sức ở một số cuộc thi tương tự.
Thời điểm ấy chị nghĩ việc đạt giải trong các cuộc thi này sẽ là lợi thế để con được cộng điểm vào lớp 6. Tuy nhiên khi nộp hồ sơ vào cấp 2, chị ngỡ ngàng khi biết nhà trường chỉ cộng điểm đối với thành tích ở một số cuộc thi và những giải con chị tham gia không nằm trong danh sách ấy.
“Hiện tại ở nhà, con có hàng chục chứng chỉ, giấy khen các loại, nhưng thực tế những tấm bằng ấy lại không có nhiều giá trị”.
Rút kinh nghiệm tới con thứ hai, chị Hồng xác định sẽ không cho con tham gia các cuộc thi này nữa vì quá tốn kém và lãng phí. Thế nhưng khi con vừa vào lớp 1 được một tháng, chị Hồng bất ngờ khi thấy nhà trường phát động cuộc thi về kỹ năng sống trên mạng. Trong khi đó, nhiều học sinh trong lớp con chị thậm chí còn chưa biết sử dụng máy tính. “Điều này quả thực quá hình thức”, chị Hồng nói.
Lên lớp 2 và lớp 3, cô giáo chủ nhiệm vẫn liên tục gửi thông tin về các cuộc thi trên nhóm lớp và khuyến khích phụ huynh cho con tham gia để cọ xát.
“Mới đây, cô giới thiệu về một kỳ thi Toán học quốc tế với mức phí đăng ký là 350 nghìn đồng, nhưng nhiều phụ huynh trong lớp thậm chí còn không biết cuộc thi này có quy mô ra sao. Ngoài ra còn không ít cuộc thi có vòng đầu miễn phí, nhưng càng vào trong sẽ phải nộp phí càng cao”.
Chị Hồng kiên quyết không cho con tham gia nữa bởi theo chị, hầu hết các cuộc thi này đều thi qua mạng. Học sinh có thể tra đáp án trên máy tính, thậm chí có thể có sự hỗ trợ phía sau nhưng không có ai kiểm soát.
Giáo viên “đau đầu” chạy chỉ tiêu
Không chỉ học sinh, ngay cả giáo viên cũng than “đau đầu” khi xuất hiện quá nhiều cuộc thi trong trường học.
“Không tính đến các cuộc thi gắn mác quốc tế, còn hàng loạt cuộc thi như giải Toán qua mạng, giải tiếng Anh qua mạng, giải Toán bằng Tiếng Anh, Trạng nguyên Tiếng Việt, An toàn giao thông… Phong trào, cuộc thi nào cũng tốn thời gian của học sinh và giáo viên, nhưng nếu không tham gia sẽ bị phê bình”, cô L.N.P, giáo viên tiểu học tại Thái Bình, chia sẻ.
Theo cô P., giáo viên được giao nhiệm vụ thống kê danh sách học sinh tham gia. Giáo viên cũng có nhiệm vụ truyền tải đến từng phụ huynh để cho con em đăng ký “vì thành tích của trường, của lớp”. Có nhiều cuộc thi dù học sinh không mất phí tham gia, giáo viên vẫn phải hô hào, huy động.
“Trong các cuộc họp, lãnh đạo so sánh tỷ lệ tham gia giữa lớp nọ với lớp kia khiến giáo viên rất khó chịu. Nhiều giáo viên thậm chí còn phải nhờ cả con, cháu lập tài khoản thi hộ để đạt chỉ tiêu. Trong khi đó, hiệu quả của các cuộc thi này ra sao chưa có sự tổng kết, đánh giá”, cô P. bức xúc.
Theo cô P., các trường nên giảm những cuộc thi không cần thiết để không làm ảnh hưởng tới hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh. Việc chạy đua dùng thành tích để đánh giá cũng sẽ tạo ra những áp lực không cần thiết, thậm chí làm lệch lạc hoạt động dạy và học trong nhà trường.
Cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên Ngữ văn cấp THCS tại TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay có quá nhiều cuộc thi gây lúng túng trong cách tổ chức; máy móc, gây tốn kém tiền bạc, công sức mà không hiệu quả.
Cô cho rằng cần phải rà soát và sắp xếp lại các cuộc thi, trong đó nên có quy định lộ trình, thời gian, thời lượng cụ thể để phù hợp với giáo viên, học sinh, không làm ảnh hưởng tới chuyên môn của thầy cô và thời gian học của các em học sinh.
Nói về các cuộc thi trong trường học, cô Hoài (giáo viên một trường THPT) như bị “chạm” tới nỗi bức xúc. Cô Hoài bày tỏ sự khó hiểu với mục đích của hàng loạt các cuộc thi này. “Học sinh lớp 12 được miễn thi, học sinh 10 và 11 đều phải tham gia. Có tháng đến mấy cuộc thi, học sinh chưa xong cuộc này, đã phát động cuộc khác. Thậm chí, có cuộc thi kéo dài cả tháng”, chị nói.
Đa số các cuộc thi cô Hoài liệt kê đều mang tính hình thức và vì vậy, học sinh và giáo viên đều tham gia một cách rất đối phó. Hình thức thi chủ yếu là trắc nghiệm nên các em đa số “tích bừa” để lấy số lượng. Có bài thi 20 câu, một em tích và làm trong 3 phút để hoàn thành. Ở phần tự luận, các em copy của nhau, thậm chí chỉ gõ vài dòng đối phó sau đó bấm nút gửi bài đi. Với sự đối phó như vậy, sao có thể đòi hỏi hiệu quả, chất lượng?”, nữ giáo viên đặt câu hỏi.
“Tuy nhiên đây là nhiệm vụ không thể thoái thác”, các giáo viên khẳng định. Bởi điều này còn liên quan đến vấn đề thi đua của trường, lớp vì vậy khi nhận chỉ thị từ lãnh đạo trường, giáo viên không còn cách nào khác ngoài việc hô hào các em làm cho đủ số lượng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, những cuộc thi do Bộ tổ chức đã có danh mục cụ thể, ban hành thống nhất trên cả nước, các cơ sở giáo dục cần phải tham gia. Đối với các cuộc thi khác do địa phương, bộ ngành tổ chức, nếu không bắt buộc thì giáo viên, trường học có thể lựa chọn. Các địa phương cũng cần có ý kiến sao cho không chồng chéo các cuộc thi, gây khổ sở cho các giáo viên và học sinh
Trước những ý kiến liên quan đến các cuộc thi của Bộ, Bộ trưởng cho biết cần có đánh giá về tính hữu ích, hiệu quả. Cuộc thi nào ít hiệu quả, ít ý nghĩa, xu hướng sẽ kiên quyết tinh gọn, giảm bớt”.
Độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi email về Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn!
Năm nay, chị H.M.T (Hà Nội) có con gái học lớp 1. Chị kể con vừa vào học chưa được một tháng, chị đã nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm thông báo phát động kỳ thi Olympic quốc tế Toán Tiếng Anh.