Gỏi bưởi
Gỏi bưởi là món ngon miệt vườn nổi tiếng ở Đồng Nai, đặc biệt là vùng cù lao Tân Triều. Món ăn này có vị chua the từ tép bưởi, ngọt từ tôm, thơm mùi gia vị và các loại rau thơm.
Bưởi để làm món ăn này thường là bưởi da xanh, quả vừa chín tới. Tép bưởi màu phớt hồng được khéo léo tách ra. Tôm sông tươi rửa sạch, cắt dọc rồi ướp gia vị, xào qua cho ngấm, tới khi thịt tôm săn lại, đỏ đậm. Thịt ba chỉ luộc thái nhỏ. Lạc rang vừa chín tới, giã giập. Ớt, hành tây, rau mùi xanh, rau răm... thái nhỏ.
Tất cả nguyên liệu trên được trộn cùng nhau với một chút gia vị như đường, tỏi, ớt, nước mắm, thêm chút rau răm rồi rắc lên trên chút lạc giã nhỏ, hành khô phi thơm, rau mùi thái nhỏ. Đĩa gỏi trông hấp dẫn với màu sắc được pha trộn khéo léo, sắc màu.
Gỏi bưởi thường được ăn kèm với phồng tôm giòn rụm. Giá món ăn này khoảng 100.000 - 150.000 đồng một đĩa.
Ở Đồng Nai, ngoài gỏi bưởi còn rất nhiều món ngon thú vị chế biến từ loại trái này như chè bưởi, gà hấp bưởi, rượu bưởi.
Ảnh: madamegai/thehungrypigg
Lẩu lá khổ qua rừng
Lá khổ qua rừng là loại lá khá phổ biến ở vùng đất Long Khánh (Đồng Nai). Người dân thường hái lá non và đọt khổ qua rừng để chế biến món ăn, tuy đắng nhưng có dược tính cao hơn khổ qua thường. Khi ăn vào, thực khách cảm nhận được dư vị ngọt và thơm.
Khổ qua rừng mọc hoang dại tự nhiên, phổ biến ở các vùng miền núi và trung du, rừng thưa và thường chỉ mọc mùa mưa. Ngày nay, khổ qua rừng được nhiều người dân nhân giống, trồng trong vườn nhà để quanh năm có nguyên liệu chế biến lẩu.
Ảnh: Lẩu Khổ Qua Rừng - Mạ Tôi
Món lẩu lá khổ qua rừng thường được nấu bằng cá trào cững (giống cá lóc con) hoặc sườn non, tôm khô, cua đồng.
Lá khổ qua được nhặt, rửa sạch, để ráo. Khi chế biến bạn có thể giảm bớt vị đắng của khổ qua bằng cách bóp muối. Khi nồi nước lẩu đang sôi, thực khách chỉ cần nhúng một nắm lá vào lẩu rồi vớt ra ngay, dùng liền mới cảm được vị ngon đặc trưng.
Gỏi cá Biên Hòa
Đồng Nai có hai làng cá bè nổi tiếng: làng cá bè Tân Mai và làng cá bè La Ngà. Ngư dân ở đây chế biến rất nhiều món ngon từ cá nhưng nổi tiếng nhất vẫn là gỏi cá.
Cá được dùng cho món gỏi là cá chép, tai tượng, điêu hồng… Những con cá chép làm gỏi có trọng lượng không quá 2kg và không nhỏ quá dưới 1kg. Theo người dân, cá quá to thì thịt khô, thớ thịt không mịn nhưng cá quá nhỏ thì ít thịt, thịt nhão. Với cá điêu hồng và cá tai tượng thì càng lớn, thịt càng ngọt.
Cá tươi rói sau khi làm sạch, bỏ vẩy sẽ được lọc khéo léo, bỏ phần xương sống từ đuôi đến mang. Người đầu bếp lọc thoăn thoắt, đều tay để thịt cá mịn, không bị vỡ, không lẫn xương dăm, sau đó dùng giấy bồi thấm nước cho khô hai bên thịt cá, hút hết nhớt và mùi tanh.
Khi miếng thịt cá ráo khô thì xắt lát thành những miếng nhỏ khoảng 2cm, đem trộn với sả, riềng đâm nhuyễn. Hai thứ gia vị cay, nóng này sẽ làm tái thịt cá trước khi trộn với thính vàng ươm, dậy mùi thơm. Món gỏi cá này ăn cùng với hơn mười loại rau củ khác nhau như lá sung, đọt cóc, đọt xoài, đinh lăng, tía tô, húng, bạc hà, lá sen non, xà lách, lá mơ, ngò gai...
Phần nước chấm rất quan trọng. Nước chấm được chế biến từ đầu cá, thịt heo nạc, gan heo. Tất cả xay nhuyễn trộn với trứng cá, sả, riềng, tỏi hành phi thơm, nêm nếm gia vị vừa ăn tạo nên thứ nước chấm sền sệt, óng ánh váng mỡ cá vàng tươi và dậy mùi thơm.
Canh chua lá giang
Long Khánh (Đồng Nai) là miền đất đỏ bazan, nơi lá giang mọc rất nhiều. Loại lá này thuộc họ dây leo, thường mọc trong rừng cao su. Lá giang được nhặt kỹ, rửa sạch, vò mạnh tay cho lá hơi bị dập. Như vậy vị chua mới hấp dẫn.
Người dân thường nấu lá giang với nước luộc gà. Lá giang để ráo. Khi nồi nước vừa sôi sùng sục bỏ lá vào, khuấy đều để cho lá ngả màu vàng, nêm một ít gia vị cho vừa ăn. Lúc này bộ lòng gà được phi hành mỡ xào lên, nêm nếm cho vừa; nhắc nồi canh xuống đổ lòng gà vào nồi canh nghe một tiếng xèo, béo ngậy, toả mùi thơm hấp dẫn giữa thịt gà lá giang, hành ngò, rau quế.
Tổng hợp