Cơ hội và thách thức
Chia sẻ tại hội thảo “Việt Nam - Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh”, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam cho biết, khảo sát của đơn vị cho thấy, có khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu mở rộng đầu tư tại Việt Nam, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, tỷ lệ hiệu ứng nhà kính ở Việt Nam lại cao hơn so với các quốc gia khác (đo trên quy mô kinh tế và mức độ dân cư). Chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) của Việt Nam đạt mức 20,1 điểm (thấp hơn cách đây 10 năm 0,6 điểm), thấp hơn nhiều so với Singapore (50,9), Trung Quốc (28,4) và Bangladesh (23,1)…
Tính đến tháng 8/2023, Nhật Bản đang đầu tư vào 5.168 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 71 tỷ USD. Nhật Bản hiện đứng thứ ba trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản cũng ngày càng quan tâm vào các việc triển khai các dự án về tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
“Các doanh nghiệp vẫn đang theo dõi, chờ đợi cơ hội từ các chính sách về tăng trưởng xanh của Việt Nam để có thể yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này,” ông Nakajima Takeo chia sẻ.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong nước, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed đánh giá, còn nhiều thách thức trong tăng trưởng xanh.
Theo ông, đó là môi trường sống; nhận thức từ cơ quan quản lý Nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp. Thách thức toàn cầu hóa, thách thức về cơ sở hạ tầng trong hệ thống nền kinh tế, trong các doanh nghiệp Việt Nam. Hệ thống chính sách chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của chiến lược tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, ông Báo cho rằng, trong thách thức lại có cơ hội. Nếu cách đây 20 năm chúng ta nói đến tăng trưởng xanh chắc chắn khó hơn bây giờ.
Giải pháp nào?
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong giai đoạn 2012-2020, Việt Nam đã huy động được 11,5 tỷ USD cho tăng trưởng xanh.
Trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước là 2,5 tỷ USD; tập trung cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vốn từ khu vực tư nhân nước ngoài là 9 tỷ USD; tập trung trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và đầu tư trang thiết bị cho tăng trưởng xanh.
Theo bà Hiếu, với cơ cấu vốn như vậy cho thấy, khu vực tư nhân giữ vai trò quan trọng trong phát triển xanh. Vì vậy, trong chiến lược thu hút FDI vừa được phê duyệt, Việt Nam đã xác định định hướng để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh trong những lĩnh vực như công nghệ cao, phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi giá trị…
Bà Hiếu đưa ra 3 nhóm giải pháp thúc đẩy hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh.
Theo đó, giải pháp về thể chế, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo bà Hiếu, quy định về lĩnh vực này đã có nhưng thực hiện trong thực tế còn hạn chế. Trong đó, quá trình phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn gây cản trở về thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Do đó, thời gian tới sẽ tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
Bên cạnh đó, theo bà Hiếu, việc chăm sóc tốt các nhà đầu tư sau khi đầu tư sẽ chính là kênh xúc tiến đầu tư hữu ích để lan tỏa mặt tích cực của các chính sách đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư tiếp theo.
Ngoài ra, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho hay, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn… cũng sẽ là những ưu tiên tập trung đầu tư phát triển trong thời gian tới.