Hàng chục ngành mới được đào tạo

Ông Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết năm 2025, nhà trường dự kiến mở mới các ngành là: dinh dưỡng và khoa học thực phẩm; quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành môi trường và phát triển bền vững); công nghệ tài chính; quản trị kinh doanh; vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện).

Ngoài ra, các ngành dự kiến đào tạo ở phân hiệu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM tại Bình Phước gồm: công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; công nghệ kỹ thuật cơ khí; quản lý xây dựng; công nghệ kỹ thuật ô tô; công nghệ thông tin; quản lý công nghiệp; kế toán; thương mại điện tử; logistics và quản lý chuỗi cung ứng; kinh doanh quốc tế; ngôn ngữ Anh.

Theo ông Lê Văn Hiển - Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TPHCM sẽ mở ngành tài chính ngân hàng và kinh doanh quốc tế theo xu hướng phát triển, hướng đến đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Cùng với việc mở ngành, trường này cũng tăng 800 chỉ tiêu so với năm ngoái, lên hơn 4.000 chỉ tiêu.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM thì mở mới ngành công nghệ giáo dục với khoảng 70 chỉ tiêu. Ngoài ra, trường này cũng đang xây dựng các ngành mang tính liên ngành khác như khoa học tích hợp hoặc kinh tế đất đai.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Trường ĐH Tài chính Marketing mở thêm 3 ngành mới là kiểm toán, khoa học dữ liệu và quản lý kinh tế.

thi tốt nghiệp THPT 32.jpg
Học sinh TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huế

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM - cho biết năm 2025, nhà trường tiếp tục mở mới một số chương trình đào tạo liên ngành, liên trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước. Đó là những ngành về năng lượng mới (năng lượng tái tạo, điện hạt nhân); các ngành về logistics và đào tạo nhân lực có thể tham gia vận hành hệ thống metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc…

Đồng thời, đại học này sẽ tiếp tục phát triển chương trình thu hút học sinh giỏi, đào tạo tài năng các ngành khoa học cơ bản, thúc đẩy nghiên cứu khoa học; triển khai đồng bộ hệ thống quản lý học tập và nội dung học tập, khóa học trực tuyến đại chúng mở, chương trình đào tạo từ xa theo hình thức hỗn hợp...

Điều chỉnh phương thức tuyển sinh, có trường bắt buộc môn toán

Năm 2025, Trường ĐH Tài chính Marketing tuyển sinh bằng 6 phương thức khác nhau như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, xét điểm thi đánh giá năng lực, xét kết quả V-SAT, tuyển thẳng… Đáng chú ý, tất cả các tổ hợp môn bất kỳ xét tuyển vào trường đều bắt buộc có môn toán.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành như y học cổ truyền tăng 20%; điều dưỡng tăng 10%, dược học tăng 30%. Bên cạnh đó, nhà trường tăng phương thức tuyển sinh lên 6 (trước đây là 3), bao gồm: kết quả thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; sử dụng phương thức khác.

Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng không còn sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo 3 học kỳ, nhưng vẫn giữ phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12. Đồng thời, trường này cũng bổ sung phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (kỳ thi V-SAT) để xét tuyển.

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) giảm phương thức tuyển sinh xuống còn 3. Trong đó, phương thức 1 là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu). Phương thức 2 là xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2025 (khoảng 40-60% tổng chỉ tiêu). Phương thức 3 là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (khoảng 30-50% tổng chỉ tiêu). 

Trường ĐH Sư phạm TPHCM thì dừng hẳn phương thức xét tuyển học bạ. Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ thành phương thức tuyển sinh chủ đạo. Phương thức này bao gồm việc sử dụng 2 môn vào xét tuyển mỗi ngành, trong đó 1 môn chính được nhân hệ số 2 và 1 môn phụ không nhân hệ số. Ngoài ra, trường xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.

tuyensinh.jpg