Cái chết thương tâm của 3 mẹ con trong vụ cháy nhà xưởng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) lại có khởi phát cháy có thể do hàn cắt.
Dù chưa phải kết luận cuối cùng, nhưng thực trạng hàn xì bất cẩn gây hỏa hoạn chết người đã trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, không phải một vụ mà liên tiếp các vụ việc đã xảy ra.
Mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy có nguyên nhân từ hàn xì cũng có chiều hướng gia tăng. Thực tế, nhiều thợ hàn đã không tuân thủ biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy trong khi làm việc hoặc không nắm được quy tắc an toàn, khi xảy ra sự cố không biết cách xử trí để dập tắt đám cháy ngay từ khi mới bùng phát.
Mới đây nhất là vụ việc 3 mẹ con tử vong khi cháy xưởng, kho chăn ga tại xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Một ngày sau vụ cháy, đại diện Công an huyện Thanh Oai thông tin, bước đầu lực lượng chức năng nhận định nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn có thể xuất phát từ việc hàn cắt. Công an huyện cũng đã làm việc với thợ hàn cắt, bước đầu người này thừa nhận bất cẩn của mình.
Trước đó, chiều 10/9, gia đình chị Vũ Thị V. (29 tuổi, chủ xưởng sản xuất) gọi thợ đến làm thêm mái tôn để chứa hàng. Quá trình làm, người thợ hàn cắt bất cẩn khiến tia lửa bén vào đệm xung quanh.
Đám cháy đã thiêu rụi khoảng 300m2 kho xưởng, đồng thời lan sang nhà ống cao 3 tầng ở liền kề.
Đặc biệt, vụ hỏa hoạn đã khiến 3 mẹ con chị Vũ Thị V., Nguyễn Trọng G.H. và Nguyễn K.A. tử vong, 1 công an viên của Công an xã Thanh Văn bị bỏng.
Trước đó, đã có 13 người chết trong vụ cháy quán karaoke 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). Vụ hỏa hoạn được phát hiện khoảng 14h ngày 1/11/2016, ngọn lửa bùng lên từ một phòng hát trong quán karaoke rồi nhanh chóng lan ra. Mất hơn 7 tiếng chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phát hiện 13 nạn nhân đã tử vong.
Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do trong lúc thợ hàn dùng máy hàn thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt thì lửa vảy hàn bắn vào các phần xốp cách âm, gây cháy. Khi phát hiện có khói, thợ hàn dập lửa rồi hô hoán, cùng một số người đi lấy nước dập nhưng không được nên bỏ chạy ra ngoài.
Chưa hết, vụ 8 người tử vong trong vụ cháy nhà xưởng sản xuất bánh kẹo tại Hoài Đức (Hà Nội) cũng có nguyên nhân từ hàn xì. Cụ thể, ngày 29/7/2017, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại xưởng sản xuất bánh kẹo tại xã Đức Thượng (Hoài Đức).
Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn được xác định do xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp. Vụ cháy đã khiến toàn bộ nhà xưởng bị thiêu rụi, làm 8 người chết và 2 người bị thương.
Các nạn nhân đã bị mắc kẹt bên trong do xưởng sản xuất bánh kẹo này không có lối thoát hiểm. Lối ra vào duy nhất là cửa chính đã bị gác xép sập chặn lại.
Tại tỉnh Đồng Nai, cũng từng xảy ra vụ cháy nhà hàng tại thị xã Long Khánh làm 7 người tử vong. Ngày 21/12/2018, một nhà hàng trên đường Nguyễn Trãi, P.Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai bốc cháy dữ dội, rất nhiều người mắc kẹt bên trong nhà hàng.
Vụ cháy đã khiến 7 người tử vong do ngừng tim, ngừng thở vì bỏng và ngạt khí. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là trong quá trình sửa chữa, thợ hàn xì gây bắt lửa vào các vật liệu dễ cháy, các nạn nhân bên trong không chạy thoát được ra ngoài đã bị bỏng và ngạt khí.
Trước đó, trong năm 2013, tại Hà Nội cũng rúng động bởi vụ cháy làm 6 người tử vong ở quán bar Zone 9 (phố Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đáng nói, vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng cũng liên quan đến việc hàn xì.
Vụ hỏa hoạn này xảy ra lúc 14h30 ngày 19/11/2013, khi nhóm thợ đang cải tạo một khu vực trong Zone 9 để làm quán cà phê. Do bất cẩn, lửa hàn đã bắn vào đống vật liệu thi công có nhiều tấm xốp.
Vụ cháy đã khiến 6 người tử vong và một số chiến sĩ phòng cháy chữa cháy phải nhập viện do bị ngạt khí trong lúc làm nhiệm vụ.
Đáng nói nhất là vụ cháy làm 60 người tử vong tại trung tâm thương mại ITC (TP.HCM). Vụ cháy có nguyên dân từ hàn xì gây thiệt hại lớn nhất từ năm 2002 đến nay, xuất phát từ quá trình hàn giàn đèn trên trần vũ trường Blue ở tầng 3, đã làm vảy xỉ nhiệt độ cao bắn vào lớp xốp cách âm gây cháy.
Cụ thể, trưa 29/10/2002, một ngọn lửa lớn bùng phát từ vũ trường Blue thuộc Trung tâm thương mại Quốc tế TP.HCM (ITC), sau đó lan rộng và bốc lên dữ dội khiến hàng trăm người mắc kẹt.
Thời điểm đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM đã huy động toàn bộ lực lượng của công an, quân đội cùng sân bay Tân Sơn Nhất gồm 30 xe cứu hỏa tham gia dập lửa. Lực lượng công an gồm hơn 1.000 người cũng được huy động để cùng tham gia cứu nạn.
Tuy nhiên, vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này đã làm 60 người chết và 70 người bị thương, thiệt hại tới hơn 32 tỷ đồng.
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, để đảm bảo an toàn phòng cháy khi hàn cắt kim loại, trước hết người thi công được tập huấn về nghiệp vụ PCCC, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh
Trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ.
Phải có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt và ít nhất có mặt sau 30 phút, kiểm tra thật kỹ trước trước khi kết thúc việc hàn cắt.
Chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định.
Trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực tiến hành hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.