Lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại của ông chủ Hãng hàng không tư nhân Air Mekong khi dừng bay đầu tháng 3/2013 rất có thể sẽ là lời cuối cho một chiến lược đầu tư bất thành.
Không còn cơ hội bay
Cục Hàng không Việt Nam vừa chính thức đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần Hàng không Mekong (Air Mekong) sau khi thời hạn chót để hãng hàng không tư nhân này có thể níu giữ được giấy phép hết hạn vào ngày 31/12/2014.
“Hiện tại, Air Mekong không đủ các điều kiện duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Air Mekong hiện không đủ các điều kiện duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. |
Cụ thể, khoản d, Điều 17, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP quy định, một hãng hàng không bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại nếu ngừng khai thác vận chuyển hàng không, dịch vụ hàng không chung 12 tháng liên tục.
Được biết, Air Mekong được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không ngày 30/10/2008, tổ chức khai thác các chuyến bay thương mại từ tháng 10/2010 và tạm ngừng khai thác từ ngày 1/3/2013. Sau hơn một tháng ngừng bay với lý do là tái cơ cấu đội tàu bay, giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) của Air Mekong – một trong hai chứng chỉ quan trọng nhất để một hãng hàng không dân dụng có thể hoạt động đã hết hiệu lực. Đến thời điểm tháng 4/2014, Air Mekong không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định.
Trước nguy cơ bị tước giấy phép, vào cuối tháng 3/2014, Air Mekong liên tiếp có 2 văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kế hoạch khai thác trở lại, tiến trình thực hiện xin cấp lại AOC, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giúp đỡ Air Mekong để không bị hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trước tháng 1/2015.
Đề nghị này được Bộ GTVT chấp thuận tại Văn bản số 5016/BGTVT-VT ngày 6/5/2014 do Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu ký cho phép hãng này giữ giấy phép đến hết ngày 31/12/2014.
Để làm rõ khả năng nối lại hoạt động bay, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không đã yêu cầu Air Mekong lập kế hoạch cụ thể, tiến trình xin cấp lại chứng chỉ AOC và cung cấp các tài liệu, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, bằng chứng liên quan đến việc tái cơ cấu, thu xếp vốn, nhân sự và thuê tàu bay.
“Đáng tiếc là, cho đến hết ngày 31/12/2014, Air Mekong đã không có bất cứ báo cáo nào đáp ứng yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam”, ông Thanh cho biết.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, họ đã nhiều lần chủ động liên lạc với người đại diện pháp luật của Air Mekong là ông Đoàn Quốc Việt để yêu cầu thực hiện báo cáo cũng như thu xếp gặp gỡ nhằm làm rõ việc chuẩn bị khai thác trở lại, nhưng việc liên lạc không thành công.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã tạo điều kiện tối đa cho hãng hàng không tư nhân vốn được biết đến với cái tên “Sếu đầu đỏ”, nhưng trong suốt thời gian qua, Air Mekong không có động thái nào cho thấy có sự chuẩn bị, kế hoạch khai thác vào năm 2015.
Ngạc nhiên lớn
Theo một chuyên gia hàng không, Air Mekong sẽ rất khó giữ được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi đã có gần 2 năm ngừng bay hoàn toàn. Nếu Bộ GTVT chấp thuận đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam thì đây sẽ là trường hợp “gẫy cánh” thứ hai từng được ghi nhận tại thị trường hàng không nội địa.
Điều khá khó hiểu là, vào thời điểm xin gia hạn giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào tháng 3/2014, Air Mekong đã đệ trình một kế hoạch trở lại được đánh giá là khá chi tiết và có tính khả thi cao.
Cụ thể, Air Mekong đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Quỹ đầu tư đại diện cho một nhóm nhà đầu tư tiềm năng về việc góp tối thiểu 22,2 triệu USD vào Hãng, với lộ trình: hoàn thành việc góp vốn, tái cơ cấu sở hữu vào tháng 9/2014; sửa đổi đăng ký kinh doanh vào tháng 10/2014; tiếp thị, bán vé trở lại vào tháng 10/2014 và bay trở lại chậm nhất là tháng 1/2015.
Trong giai đoạn đầu, Air Mekong dự kiến khai thác 6 máy bay hoặc Airbus A320 hoặc Boeing737 – 800, thay cho đội tàu bay Bombardier CRJ900 khai thác kém hiệu quả. Air Mekong cũng cho biết sẽ tái cơ cấu toàn diện để chuyển đổi thành hãng hàng không chi phí thấp, tập trung vào các đường bay dài, trong đó có cả đường bay quốc tế. Thậm chí, hãng còn lên kế hoạch chi ít nhất 8 triệu USD cho các hoạt động liên quan tới xây dựng thương hiệu, thị trường phù hợp với chiến lược và mô hình kinh doanh mới.
Tại văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam hồi tháng 3 năm ngoái, ông Đoàn Quốc Việt khẳng định, việc tái cơ cấu vẫn bám rất sát kế hoạch và dự kiến hoàn thành trước quý IV/2014.
Cần phải nói thêm rằng, trước khi dừng bay, Air Mekong đã định vị được một thương hiệu hãng hàng không truyền thống làm ăn bài bản, có tỷ lệ chuyến bay đúng giờ khá cao, chất lượng dịch vụ tốt. Bản thân ông Đoàn Quốc Việt là người rất tâm huyết với việc đầu tư vào hàng không và luôn đau đáu với việc sớm đưa “Sếu đầu đỏ” bay trở lại.
Trong cuộc điện thoại với phóng viên Báo Đầu tư vào chiều ngày 7/1/2014, ông Việt cho biết là đang bận chủ trì một cuộc họp và sẽ liên lạc lại sau khi có thể.
Trước đó, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư được thực hiện vào tháng 2/2013, ông Đoàn Quốc Việt cho biết, có hai yếu tố quyết định thời điểm Air Mekong nối lại các chuyến bay thương mại, cũng như việc công bố phương án kinh doanh mới.
Một là kết quả đàm phán với các đối tác để triển khai phương án kinh doanh mới và phát triển đội tàu bay. Hai là sự chuyển biến của nền kinh tế thế giới và trong nước - yếu tố nền tảng vô cùng quan trọng với thị trường hàng không.
Hiện vẫn chưa rõ lý do giải thích tại sao Air Mekong lại không thể đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để phải đứng trước nguy cơ dời cuộc chơi vốn đang rất sôi động với ít nhất hai hãng hàng không tuyên bố là lãi lớn trong năm 2014.
Được biết, nếu gia nhập lại thị trường vào năm 2015, với đội tàu bay gồm khoảng 6 chiếc có năng lực chuyên chở khoảng 200 khách/lượt, Air Mekong sẽ là hãng hàng không có quy mô khiêm tốn nhất, nếu không tính trường hợp của Công ty ty Dịch vụ vận tải hàng không (VASCO) – công ty trực thuộc Vietnam Airlines.
Cụ thể, nếu xếp theo quy mô, thứ tự của các hãng hàng không Việt Nam như sau: Vietnam Airlines (91 chiếc vào năm 2015, năm 2014 là 82); VietJet Air (20 chiếc vào năm 2015, năm 2014 là 12 chiếc); Jetstar Pacific (12 chiếc vào năm 2015, năm 2014 là 7 chiếc)…
“Với tốc độ tăng trưởng hàng khách ấn tượng như hiện nay, Air Mekong vẫn có cơ hội chen chân vào thị trường, đặc biệt là phân khúc giá rẻ”, một chuyên gia hàng không nhận định.
(Theo Báo Đầu Tư)