Ngành y tế Bình Phước đang tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ bằng việc tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới xây dựng hệ thống y tế hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD).

Nhiều lợi ích từ kiosk y tế thông minh

Ngành y tế vừa ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai kiosk y tế thông minh trong khám, chữa bệnh với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Bình Phước. Theo đó, ngân hàng đã tài trợ, lắp đặt thí điểm 2 kiosk y tế thông minh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Với kiosk này, bệnh nhân có thể tự đăng ký khám, chữa bệnh như: chọn phòng khám, xác thực thông tin, khuôn mặt, xác nhận đăng ký và nhận phiếu khám chỉ qua vài thao tác. Từ đó rút ngắn quy trình thủ tục của người bệnh, giảm thời gian chờ đợi chỉ còn chưa đến 1 phút.

Bà Đào Thị Thanh Đức ở xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài bộc bạch: Thay vì bốc số và ngồi chờ thì tôi đăng ký khám trên kiosk y tế thông minh. Thao tác thực hiện đơn giản như đặt CCCD gắn chíp vào thiết bị đọc và nhập số điện thoại liên kết, chụp ảnh chân dung để xác thực sinh trắc học ngay trên kiosk và chọn đăng ký phòng khám theo mong muốn. Tôi thấy đăng ký thế này nhanh hơn rất nhiều so với cách truyền thống.

Bình Phước triển khai kiosk y tế thông minh nhằm hiện thực hóa Chỉ thị số 12/CT-BYT của Bộ Y tế về đẩy mạnh thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, hướng đến mục tiêu 100% thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện; thực hiện tốt Đề án 06. Mô hình kiosk y tế thông minh được thí điểm đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã giúp chuẩn hóa dữ liệu đầu vào trong khám, chữa bệnh, ngăn chặn việc trục lợi bảo hiểm, đảm bảo an toàn thông tin, giảm thiểu nhân sự tham gia khâu tiếp đón của bệnh viện, giảm thủ tục hành chính.

z6208533574424_bb4f1e27c695ff0818b6c3550b902d70_05170409012025.jpg
Mô hình kiosk y tế thông minh được thí điểm đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã giúp chuẩn hóa dữ liệu đầu vào trong khám, chữa bệnh.

“Khi vận hành hệ thống kiosk y tế thông minh sẽ tạo lập một hệ thống dữ liệu thống nhất, kết nối chia sẻ dữ liệu với Bộ Công an. Qua đó, thay đổi phương thức quản lý bệnh nhân từ thủ công sang hiện đại, quản lý thông qua mã định danh cá nhân” - Thượng tá Hồ Ngọc Chiến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết.

Hướng tới xây dựng y tế hiện đại

Thời gian qua, ngành y tế Bình Phước đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện mục tiêu CĐS. Trong đó điển hình như Bệnh viện đa khoa tỉnh đang khắc phục khó khăn để CĐS từng khâu, từng lĩnh vực như: Triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp điện tử và sử dụng ứng dụng VNeID phục vụ khám, chữa bệnh. “Bệnh viện đang triển khai đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp, qua đó vừa đem lại nhiều tiện ích cho người dân vừa thực hiện hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính, giảm các giấy tờ liên quan đến thủ tục khám, chữa bệnh” - bác sĩ Vũ Xuân Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết.

CĐS trong lĩnh vực y tế tại Bình Phước gắn liền với Đề án 06, sử dụng CCCD làm thủ tục khám, chữa bệnh thay thẻ bảo hiểm y tế được triển khai đồng bộ tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 127/127 cơ sở khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD thay thế thẻ bảo hiểm y tế từ tuyến tỉnh đến xã, đến nay đã thực hiện khám, chữa bệnh đối với 544.958 trường hợp; đã phối hợp, các đơn vị đồng bộ dữ liệu sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID đối với 136.759/1.132.893 công dân thường trú, đạt 12,1%; tích hợp 119.352 thẻ bảo hiểm xã hội trên ứng dụng VNeID, hiển thị 3.886 giấy chuyển tuyến, 13.820 giấy hẹn tái khám; liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe cho 73.107 người; liên thông cấp giấy chứng sinh cho 9.715 người… Cùng với đó, công tác khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc điện tử… tiếp tục được các sơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh quan tâm triển khai.

Có thể thấy, qua 3 năm triển khai thực hiện, các tiện ích của Đề án 06 đang hỗ trợ rất lớn cho ngành y tế giảm nhân lực và các thủ tục hành chính phức tạp, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn cho người dân. Điều này cũng giúp tăng cường sự tiếp cận hiệu quả các dịch vụ y tế hiện đại, từng bước xây dựng một hệ thống y tế thông minh, bền vững và lấy người bệnh làm trung tâm.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều mô hình thuộc Ðề án 06 của Chính phủ đối với lĩnh vực y tế là lộ trình quan trọng hướng tới xây dựng hệ thống dữ liệu lớn về y tế, nhằm quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân hiệu quả hơn. Trong thực hiện CÐS y tế, Bình Phước đặt tầm nhìn đến năm 2030 sẽ ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành. Từ đó, hướng đến nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Giám đốc Sở Y tế ÐỖ THỊ NGUYÊN

Theo Ngân Hà (Báo Bình Phước)