Ngày 25/8, TAND TP Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Tôn Thất Thạnh (SN 1964; cựu Giám đốc CDC Đà Nẵng); Nguyễn Thị Thanh Nhàn (SN 1982; cựu Trưởng Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng) và Lê Thị Kim Chi (SN 1986; cựu nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng) về tội “Tham ô tài sản"
Câu kết bán lại kit xét nghiệm, sinh phẩm cho Công ty Việt Á
Theo cáo trạng, Khoa Xét nghiệm được Trung tâm CDC Đà Nẵng cấp phát các loại hóa chất, sinh phẩm để sử dụng phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19.
Trong các năm 2020 và 2021, Trung tâm CDC Đà Nẵng ký kết 16 hợp đồng mua sắm với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (sau đây gọi tắt là Công ty Việt Á, do Phan Quốc Việt làm Giám đốc), tổng cộng 81.350 kit tách chiết thủ công và 410.000 kit tách chiết tự động.
Ngoài việc ký kết hợp đồng mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, Trung tâm CDC Đà Nẵng còn nhận được tài trợ của các đơn vị khác.
Quá trình pha chế, sử dụng các loại hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, Nguyễn Thị Thanh Nhàn phát hiện sẽ có dư ra một số lượng nhất định.
Từ đó, bà Nhàn báo cho ông Tôn Thất Thạnh biết và xin chủ trương không báo cáo số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư dư ra trên hệ thống sổ sách của Trung tâm CDC Đà Nẵng mà bán cho Công ty Việt Á để lấy tiền sử dụng cá nhân. Việc này được ông Thạnh thống nhất.
Khoảng cuối năm 2020, khi Phan Quốc Việt đến Đà Nẵng hỗ trợ xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19, ông Thạnh và bà Nhàn gặp trao đổi về việc muốn bán lại một số loại hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 này và được đồng ý.
Sau đó, bà Nhàn chỉ đạo Lê Thị Kim Chi chỉ báo cáo tiêu hao theo quy cách đóng gói của nhà sản xuất, không báo cáo đúng thực tế số lượng sinh phẩm, hóa chất tồn kho tại Khoa Xét nghiệm cho Trung tâm CDC Đà Nẵng biết.
Sau khi có số lượng hóa chất, sinh phẩm dôi dư để ngoài sổ sách của đơn vị, bà Nhàn và Chi giao bán lại cho Công ty Việt Á.
Cụ thể, từ ngày 30/1/2021 đến ngày 6/4/2022, tổng số lượng hoá chất, sinh phẩm, vật tư y tế mà các bị cáo chiếm đoạt của Trung tâm CDC Đà Nẵng gồm: 21.000 kit tách chiết tự động nhãn hiệu iVAaDNA/RNA Extraction Kit aM; 10.000 kit tách chiết thủ công nhãn hiệu iVAaRNA Extraction Kit P; 18.050 tube rỗng 1,5 ml nằm trong bộ sinh phẩm tách chiết thủ công của Công ty Việt Á; 19.000 tube rỗng 1,5 ml của hãng SPL Hàn Quốc; 37.500 tube rỗng 1,5 ml của hãng QSP Mỹ; 2.400 kit xét nghiệm PCR Covid 19 nhãn hiệu LightPower IVASARS-CoV-2; 7.584 kit Standard TM M nCoV Real-Time Detection. Tổng giá trị tài sản mà các bị cáo chiếm đoạt hơn 5,2 tỷ đồng.
“Bán lại sinh phẩm thừa để có kinh phí bồi dưỡng cho anh em”
Tại tòa, bị cáo Tôn Thất Thạnh thừa nhận cáo buộc tội “Tham ô tài sản” là đúng. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng các tình tiết tăng nặng mà cáo trạng nêu là chưa chính xác.
Ông Thạnh cho rằng, với cáo buộc bị cáo “phạm tội có tổ chức” là không phù hợp bởi bị cáo không gặp gỡ, không bàn bạc, thống nhất với Phan Quốc Việt (Công ty Việt Á) cũng như không bàn bạc với các thuộc cấp là lấy số sinh phẩm, kit dôi dư bán lại cho Việt Á.
“Cuối năm 2020, đầu năm 2021, bị cáo không nhớ rõ, Nhàn đến gặp và trình bày trong quá trình pha chế có dư ra một số kit, sinh phẩm và xin nhượng lại số dư này cho Việt Á để lấy tiền bồi dưỡng cho anh em trong cơ quan vì chống dịch rất vất vả”, bị cáo Thạnh trình bày.
Theo ông Thạnh, sau khi bà Nhàn trình bày, ông đã đồng ý. Sau đó Phan Quốc Việt có gọi điện, bị cáo báo lại là Nhàn đã trao đổi nội dung như vậy chứ không gặp Việt để bàn bạc.
Với tình tiết tăng nặng mà cáo trạng cáo buộc là “phạm tội thuộc trường hợp nhiều lần”, bị cáo Thạnh cho rằng, chỉ một lần bị cáo Nhàn gặp trao đổi, đề xuất nhượng lại số dư thừa cho Việt Á thì ông đồng ý chứ ông không cho chủ trương thực hiện như vậy.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Lê Thị Kim Chi thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng nêu.
Bị cáo Nhàn cho rằng, bản thân phạm tội trong hoàn cảnh “không am hiểu” về công tác quản lý sổ sách. Bị cáo nghĩ đơn thuần về việc số kit xét nghiệm, sinh phẩm dư ra đó nếu đưa vào phiếu nhập kho sẽ không khớp số liệu, bị cáo yếu kém khi nghĩ không phải là tài sản Nhà nước. Sau đó, bà Nhàn đề xuất với ông Thạnh chuyển lại Công ty Việt Á để tránh lãng phí và có phần kinh phí “bồi dưỡng” cho nhân viên chống dịch.
“Bị cáo có trao đổi với Phan Quốc Việt về vấn đề chuyển lại số sinh phẩm dôi dư. Sau đó, bị cáo xử lý số lượng không có trong số liệu nhập kho”, bà Nhàn khai.