Theo cáo buộc, ngày 17/6/2016, Tỉnh uỷ Bình Dương ban hành Thông báo số 106-TB/TU và ngày 29/7/2016 có Công văn 407-CV/TU phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương.
Theo đó, khu đất 43ha phải chuyển giao về Công ty đầu tư và quản lý Dự án Bình Dương (Công ty Impco) và khu đất 145ha Tổng công ty SX-XNK Bình Dương được giữ lại sử dụng sau khi cổ phần hóa.
Các bị cáo cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh uỷ), Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ), Trần Thanh Liêm (cựu Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) và Ngô Dũng Phương (cựu Trưởng phòng Tài chính đảng thuộc Văn phòng Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương) biết việc chuyển nhượng khu đất 43ha của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương đã làm trái quy định của pháp luật và trái với phương án sử dụng đất theo Công văn số 407-CV/TU ngày 29/7/2016 của Tỉnh uỷ đã phê duyệt.
Nhưng các bị cáo trên không thực hiện các biện pháp để quản lý, bảo toàn tài sản của Nhà nước, không ngăn chặn, huỷ bỏ việc chuyển nhượng trái pháp luật để chuyển trả khu đất 43 ha về cho Công ty Impco theo đúng phê duyệt của Tỉnh ủy.
Thậm chí khi có dư luận về những sai phạm tại khu đất 43ha, ông Trần Văn Nam tiếp tục chỉ đạo ông Phạm Văn Cành, Nguyễn Văn Đông và Ngô Dũng Phương ban hành Công văn 974-CV/TU đề ngày 19/5/2017 (thực tế được lập vào tháng 10/2018), đính chính Thông báo số 287/TB-TU ngày 20/4/2017 và Công văn số 477-CV/TU đề ngày 29/7/2016 (thực tế được lập vào tháng 3/2019) điều chỉnh Công văn 407-CV/TU ngày 29/7/2016, với nội dung sai lệch bản chất phương án sử dụng đất đã phê duyệt trước đó.
Việc này nhằm hợp thức hoá, che giấu những sai phạm của bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) và Tổng công ty SX-XNK Bình Dương.
Khi ông Minh xin ý kiến về việc cho phép Tổng công ty SX-XNK Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, ông Trần Văn Nam tiếp tục chỉ đạo ban hành văn bản chấp thuận cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng công ty SX-XNK Bình Dương đang sở hữu tại Công ty Tân Phú.
Việc này dẫn đến toàn bộ tài sản thuộc sở hữu Nhà nước gồm quyền sử dụng đất 43ha và 30% vốn góp đã chuyển sang công ty tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 984 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Trần Văn Nam không thừa nhận chỉ đạo lùi ngày văn bản với mục đích để hợp thức hóa như cáo buộc.
Bị cáo khai: “Chúng tôi không biết việc lùi ngày, anh Dũng Phương làm thì dũng cảm nhận còn nhìn mặt bà con Bình Dương”.
Vẫn theo lời khai của cựu Bí thư Bình Dương, thực chất việc góp vốn 30% là góp vốn bằng đất, gây bức xúc cho Thường trực Tỉnh ủy. Việc làm của bị cáo chỉ nhằm mục đích không liên quan đến Tỉnh ủy nữa.
Tại cuộc họp Thường trực tỉnh ủy vào năm 2018, khi nghe báo cáo về việc chuyển khu đất 43ha, lúc này sự việc đã được đặt hết lên bàn để giải quyết rồi.
Trả lời thẩm vấn của luật sư tại tòa, bị cáo Ngô Dũng Phương khai, CQĐT đã thu thập USB có chứa dữ liệu là ghi âm các cuộc họp. Bị cáo có lưu nhiều bản ghi âm các cuộc họp để đảm bảo công tác nghiệp vụ, ghi lại cho chính xác.