Đại diện MSB cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm với sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi.
Tính tới ngày 30/6, tổng tài sản của MSB đạt hơn 237.800 tỷ, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 13,2% kể từ đầu năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn ngành. Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cuối năm 2022.
Tổng thu thuần của MSB trong 6 tháng đầu năm đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh, hơn 86%; tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, 6 tháng còn lại của năm ngân hàng định hướng gia tăng nguồn thu ngoài lãi bên cạnh việc duy trì mảng kinh doanh cốt lõi.
Tại Agribank, Chủ tịch HĐTV Phạm Đức Ấn cho biết, đến 30/6, Agribank cơ bản đạt và vượt tiến độ mục tiêu đã đề ra. Tổng tài sản đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn huy động đạt 1,75 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,45 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Ấn cho biết, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
“Thực tế tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn”, ông Ấn nói.
Theo ông Ấn, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng tại Agribnank thấp do tính chất mùa vụ trong hoạt động nông nghiệp, nhưng bên cạnh đó còn do những nguyên nhân cơ bản như: khách hàng không đáp ứng các điều kiện cho vay.
Có khách hàng vay để đảo nợ, tránh nợ xấu tại ngân hàng khác, để cơ cấu lại tài chính, thanh toán trái phiếu đã phát hành nhưng không đáp ứng điều kiện cho vay hoặc là khách hàng trong tình trạng hoạt động cầm chừng, không có nhu cầu vay vốn vì không có thị trường tiêu thụ, thậm chí khi có nguồn sẵn sàng trả để giảm dư nợ, chờ thời cơ phục hồi kinh doanh.
Với các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, có thể thấy lợi nhuận quý II không còn được “hoành tráng” như trước.
Theo báo cáo tài chính của LPBank, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 hơn 708 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Có thể thấy, lợi nhuận của LPBank trong 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu trong quý I. Luỹ kế 6 tháng LPBank đạt 1.951 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 31% so với cùng kỳ.
Tại BacA Bank, lợi nhuận sau thuế quý II chỉ đạt gần 110 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế tại BacA Bank lại tăng 10%, lên gần 378 tỷ đồng nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm.
Với TPBank, lợi nhuận sau thuế quý II là 1.293 tỷ đồng, giảm 25,27% so với cùng kỳ. Đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận quý II là thu nhập lãi thuần đạt 2.729 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ gần 804 tỷ đồng, tăng 18% nhờ hoạt động kinh doanh trái phiếu.
Tuy nhiên, việc ngân hàng huy động tiền gửi kỳ hạn dài với lãi suất tương đối cao khiến chi phí lãi tăng mạnh nửa đầu năm 2023, từ đó thu nhập lãi thuần giảm 10% trong quý II.
Còn tại ABBank, lợi nhuận sau thuế quý II chỉ đạt 34,70 tỷ đồng, sụt giảm tới 96% so với cùng kỳ. Luỹ kế từ đầu năm, ngân hàng này đạt 508,70 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 61% so với cùng kỳ.
Quý vừa qua, ABBank đã trích lập gần 700 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 4 lần so với số trích lập dự phòng của cùng kỳ năm 2022.
Còn tại Techcombank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý II và 6 tháng đầu năm cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lần lượt là 804 tỷ và 1.524 tỷ đồng. Lợi sau thuế quý II và luỹ kế 6 tháng đầu năm giảm lần lượt 20% và 23%. Techcombank đạt 4.077 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II và 7.516 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong thời gian tới, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh. Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ rõ nét hơn.