Năm 2014, Samsung đã khiến giới công nghệ sửng sốt với chiếc Galaxy Note Edge. Đây là smartphone đầu tiên có thiết kế cong và tràn mép viền. Tuy nhiên, doanh số sản phẩm này lại không mấy khả quan bởi khi đó điện thoại màn hình phẳng vẫn chiếm ưu thế. Do đó, dòng sản phẩm “Edge” của Samsung dần biến mất qua thời gian.
Tuy nhiên, công nghệ màn hình cong vẫn tồn tại. Thay vì được giới thiệu là một tính năng nổi bật như Note Edge, màn cong xuất hiện trên Galaxy S6 Edge như một nâng cấp bổ sung cho trải nghiệm điện thoại cao cấp.
Sau đó, màn hình cong bắt đầu được trang bị trên các smartphone phân khúc đắt đỏ, như Galaxy S22 Ultra, OnePlus 10 Pro và Google Pixel 6 Pro trong năm 2022.
Trái với các hãng Android, Apple lại không hứng thú với màn cong khi vẫn trung thành với màn hình phẳng trên iPhone 13 và cả iPhone 14 sắp ra mắt. Điều này biến iPhone trở thành smartphone phân khúc cao cấp duy nhất không có màn hình cong.
Apple vẫn luôn trung thành với màn hình phẳng. Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng tác giả C. Scott Brown của Android Authority lại cho rằng màn hình cong là một tính năng nhàm chán. Brown nghĩ rằng các hãng nên học theo Apple, bổ sung những nâng cấp mới trên điện thoại màn hình phẳng thay vì tập trung phát triển màn hình cong.
Điểm yếu của màn hình cong
Hầu hết nhà sản xuất Android đều cho rằng màn hình cong là một tính năng cao cấp khi có cạnh viền mỏng, có thể xem video hoặc chơi game với phần cong này.
Nhưng trên thực tế, màn hình cong có rất nhiều nhược điểm. Công nghệ này khiến smartphone trở nên dễ hỏng hơn bao giờ hết. Nếu làm rơi điện thoại ở một bên, màn hình cong sẽ trở thành khu vực dễ chịu tác động nhất.
Trong khi đó, những chiếc smartphone thông thường sẽ cứng cáp hơn cạnh viền phẳng ở hai bên. Ngoài ra, các ốp bảo vệ cho smartphone màn hình cong thường trống một cạnh để hiển thị phần cong. Điều này càng khiến thiết bị có khả năng va đập cao hơn.
Một vấn đề khác của màn hình trong là hệ thống điều hướng trên Android. Nếu người dùng muốn quay lại trang trước, sử dụng màn hình phẳng sẽ dễ thao tác hơn màn hình cong.
Màn hình cong có rất nhiều khuyết điểm như dễ vỡ, giá thành đắt đỏ. Ảnh: The Verge. |
Mặc dù các hãng hiện nay đã khắc phục được tình trạng này, quá trình sử dụng smartphone cùng với ốp lưng vẫn gặp phải nhiều vấn đề trong việc điều hướng. Ngoài ra, màn hình cong sẽ tốn nhiều chi phí sản xuất hơn nên khiến giá thành smartphone trở nên đắt đỏ hơn hẳn.
Những điều phải đánh đổi trên smartphone màn hình phẳng
Scott Brown cho rằng màn hình cong chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ vì nếu so sánh với smartphone thông thường, chúng thậm chí còn không hữu dụng bằng. Tuy vậy, cây bút cho rằng người dùng có thể chịu thiệt nếu chọn những mẫu màn hình phẳng, vốn thiếu nhiều tính năng độc quyền.
Google Pixel 6 là một chiếc smartphone màn hình phẳng xuất sắc nhưng lại thiếu đi camera tele và màn hình có tần số quét cao. Trong khi đó, Pixel 6 Pro màn hình cong lại được trang bị ống kính tele và màn hình QHD+ có tần số quét 120 Hz. Do đó, nếu muốn sử dụng màn hình phẳng, người dùng phải đánh đổi rất nhiều tính năng.
Với Samsung, Galaxy S22 Plus là một smartphone màn hình phẳng rất ấn tượng. Nhưng khi so sánh với S22 Ultra, chiếc điện thoại màn hình cong lại có camera tốt hơn, dung lượng pin lớn hơn, màn hình có độ phân giải cao hơn và dung lượng bộ nhớ nhiều hơn. Vì thế, nếu muốn sở hữu smartphone cao cấp nhất, người dùng đành phải từ bỏ chiếc Galaxy S22 Plus có màn hình phẳng.
Các hãng nên học theo Apple với màn hình phẳng trên iPhone. Ảnh: Android Authority. |
Nhưng với Apple, iPhone 13 Pro và Pro Max là hai sản phẩm cao cấp nhất của hãng và đều có màn hình phẳng. Do đó, người dùng không cần phải đánh đổi bất cứ tính năng gì nếu thích công nghệ màn hình này. Đây là điều mà ít hãng Android nào làm được, Scott Brown nhận định.
Theo tác giả, điểm hấp dẫn nhất của Android là sự đa dạng và phong phú của các thiết bị. Vì thế, các nhà sản xuất nên ra mắt những thiết bị màn hình phẳng nhưng vẫn sở hữu tính năng cao cấp nhất thay vì cắt giảm chúng và chỉ tập trung vào công nghệ màn hình cong nhàm chán.
(Theo Zing)