Rằm tháng 8, người dân làng lồng đèn Phú Bình (quận 11, TP.HCM) thường sẽ bận rộn sản xuất, hoàn thành đơn đặt hàng để giao cho khách. Dẫu vậy, những năm gần đây, hình ảnh dân làng nghề quần tụ, hối hả làm lồng đèn khi vào vụ đã không còn.
Chị Kim Thu - một nghệ nhân làm lồng đèn, tại đây cho hay, trước có cả trăm hộ gia đình cùng làm, giờ chỉ lác đác. Tính ra, còn khoảng 20 hộ theo nghề, trong đó, nhiều nhà nhập hàng bán thương mại mà bỏ hẳn sản xuất. “Nhiều người không còn gắn bó với nghề. Chính các con tôi cũng không muốn theo làm lồng đèn vì sợ vất vả”, chị nói.
Lý do là bởi số lượng đơn đặt hàng giảm; công việc thủ công tốn nhiều thời gian nhưng thu nhập thấp. Trong khi đó, lồng đèn Trung Quốc giá quá cạnh tranh, mẫu mã, chất liệu đa dạng đã dần chiếm thị trường.
Do nhiều người bỏ nghề, thiếu thợ gia công nên chị Ánh Loan - chủ cơ sở sản xuất lồng đèn - phải từ chối một số đơn hàng dù khách chấp nhận tăng giá mua từ 2.000-3.000 đồng/sản phẩm. Ngay từ tháng 5 âm lịch, mối buôn từ các tỉnh và tại TP.HCM đến đặt hàng, cơ sở này chỉ nhận làm theo số lượng khách đặt trước và giữ một lượng hàng nhỏ để bán lẻ tại thị trường TP.
Chủ một cở sản xuất lồng đèn khác tại Phú Bình chia sẻ, lợi nhuận thấp trong khi giá thiết bị hỗ trợ sản xuất lại cao, từ đó, các hộ gia đình chưa dám mua máy móc mới. Làng nghề không cập nhật công nghệ, người dân thực hiện thủ công từ lắp ráp đến tạo hình, khắc hoa văn in ấn và chỉ dùng máy mỗi công đoạn chuốt nan tre. Chính việc gia công tại nhà đang gây tốn thời gian, công sức nhưng năng suất không cao và chất lượng sản phẩm thiếu đồng đều.
Dẫu vậy, một số cơ sở sản xuất lồng đèn truyền thống đang cố “hút” khách bằng việc cải tiến sản phẩm. Họ gia công các loại lồng đèn có tính năng điện tử; đặt in hình mẫu lên nhựa hay nhập những tay cầm gắn pin nguồn cho bóng đèn phát sáng…
Tại phố lồng đèn Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM), số lượng sản phẩm xuất xứ Trung Quốc chiếm số lượng lớn trong các cửa hàng. Chị Minh Hằng, đại diện cửa hàng Đông Quang khẳng định, đèn Trung Quốc giá rẻ với nhiều mẫu mã đang lấn át lồng đèn truyền thống Việt Nam, chiếm 70% số lượng sản phẩm của cửa hàng.
Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu tăng cao trong năm dẫn đến nhà sản xuất nâng giá bán sản phẩm. Lồng đèn Việt có mặt bằng giá cao hơn từ 30-40% so với các năm, khiến càng kén người mua.
Năm nay, giá các loại lồng đèn dao động từ 20.000-300.000 đồng/chiếc tùy chủng loại, như lồng đèn bằng nhựa trong suốt; lồng đèn điện tử có thể di chuyển khi đặt xuống nền đất; lồng đèn theo các nhân vật hoạt hình hoặc các loại lồng đèn truyền thống...
Theo chị Hằng, nói chung lượng hàng nhập về bán giảm khoảng 30% do chưa biết nhu cầu tiêu dùng của người dân ra sao. Vừa hết dịch lại đến lạm phát nên nhiều chủ cửa hàng không dám nhận lồng đèn về nhiều vì sợ bán ế.
Tương tự, anh Ngô Hữu Toàn - chủ cửa hàng Khánh Thúy - nhận định, lượng khách mua ít hơn mọi năm. Dù mùa Trung thu năm ngoái, người dân TP.HCM đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nhưng thị trường năm nay không thực sự bùng nổ. Anh Toàn mong chờ lượng khách đặt sỉ lớn từ các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang để tiêu thụ hàng tốt hơn.
“Trung thu 2021 đã không thể kinh doanh do phải đóng cửa 4 tháng liền, chỉ mong từ giờ đến cuối năm là thời gian cao điểm sẽ bán hàng chạy. Sau Trung thu đến Hallowen, Lễ Giáng sinh rồi Tết Nguyên đán, cửa hàng bán đồ trang trí sẽ nhập sản phẩm theo các mùa lễ trong năm chứ nếu bán riêng một mặt hàng thì không thể trụ được”, anh Toàn nói.