Sáng tạo lựa chọn cách đánh là then chốt, quyết định đến chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng vẻ vang, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến hồi kết thúc, giành lại độc lập cho dân tộc.
Đông Xuân 1953 - 1954, thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương, phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược của địch ra khắp các chiến trường, trói chặt chúng ở từng mặt trận đẩy địch lâm vào thế "đông mà hóa tản", chiến lược quân sự của Nava bị phá vỡ, âm mưu giành thắng lợi chiến lược về quân sự của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bị phá sản, cục diện chiến tranh thay đổi.
Nắm chắc thời cơ Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh đòn quyết định giành thắng lợi, cuộc kháng chiến của nhân dân ta và các nước Đông Dương kết thúc, làm sụp đổ chế độ thực dân kiểu cũ.
Đến trước ngày ta nổ súng, địch đã tập trung binh lực với 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh và một tiểu đoàn công binh, các lực lượng xe tăng, không quân, vận tải, phục vụ với quân số khoảng 12.000 tên.
Chúng tổ chức phòng ngự thành 3 phân khu là Bắc, Trung tâm và phân khu Hồng Cúm với 49 cứ điểm. Địch tổ chức trận địa phòng ngự bằng hệ thống công sự vững chắc, vật cản phức tạp và được phi pháo chi viện mạnh, Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp ở Đông Dương.
Trước một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố của địch, bằng quyết tâm thắng lợi cao, ta đã tập trung 3 Đại đoàn (308, 316, 312 và 304-thiếu quân) và Đại đoàn 351 công pháo, trung đoàn pháo cao xạ 367.
Ngày 13/3/1954, chiến dịch bắt đầu. Từ ngày 13 - 17/3, ta tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt các trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo phá vỡ thế trận phòng ngự từ phía Tây Bắc sang Đông Bắc tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm các vị trí vòng ngoài, cửa ngõ của tập đoàn cứ điểm mở đường tiến xuống cánh đồng Mường Thanh, tạo điều kiện siết chặt trận địa bao vây và tiến công.
Sau những thắng lợi bước đầu, từ ngày 18 - 30/3, quân ta tiếp tục lập thế trận vây chặt các cứ điểm ngoại vi của tập đoàn cứ điểm, bằng hệ thống giao thông hào, công sự chiến đấu. Từ ngày 30/3, chiến dịch bước vào đợt hai, ta tập trung 6 trung đoàn bộ binh mở các đợt tiến công tiêu diệt hai cụm cứ điểm trên dãy điểm cao phía Đông, lực lượng của ta phải dàn ra tiến công nhiều mục tiêu, sử dụng lực lượng lại không tập trung nên chỉ dứt điểm được 3/9 mục tiêu.
Trong đó mục tiêu quan trọng nhất là cứ điểm đồi A1 ta tiến công 3 lần nhưng không dứt điểm, địch tăng cường lực lượng phản kích chiếm lại một nửa điểm cao C1, trên hướng Bắc ta tiến chiếm sân bay, siết chặt vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm, thu hẹp không phận, hạn chế tăng viện và tiếp tế của địch.
Ngày 1/5, đợt ba của chiến dịch được tiến hành, đến lúc này, ta đã chiếm được phần lớn phân khu Trung tâm (còn khoảng 2km2), nhưng lực lượng địch còn đông (khoảng 10 tiểu đoàn bộ binh), chiếm giữ những một số điểm cao quan trọng ở phía Đông.
Bằng những trận đánh có tính then chốt ta tiêu diệt địch ở đồi C1, C2 và A1, phá vỡ thế phòng ngự của địch. Nắm vững thời cơ có lợi, trưa ngày 7/5, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tổng công kích giành thắng lợi quyết định, làm lên một chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Chiến dịch thắng lợi khẳng định nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát triển toàn diện trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó sự phát triển nổi bật, đạt đến đỉnh cao là nghệ thuật chiến dịch, được hội tụ đầy đủ, sâu sắc trong chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, đặc biệt là sự sáng tạo lựa chọn cách đánh chiến dịch.
Cách đánh là sự biểu hiện tập trung nhất tính sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch, phản ánh khả năng tư duy và tài nghệ chỉ huy và điều hành chiến dịch, quyết định đến thắng lợi của chiến dịch.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta luôn phải "lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh", bằng sự mưu trí, sáng tạo ta đã lựa được những cách đánh chiến dịch phù hợp, mang lại hiệu quả, đưa chiến dịch đến thắng lợi.
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, từ đặc điểm phòng ngự kiên cố vững chắc của tập đoàn cứ điểm, trên khu vực địa hình có lợi cho địch, bất lợi đối với ta. Mặt khác địch lại có khả năng chi viện, tiếp tế bằng cầu hàng không cho tập đoàn cứ điểm.
Trong khi đó, so sánh tương quan lực lượng ta không hơn địch, vũ khí trang bị lạc hậu hơn của chúng, đặc biệt là trình độ tác chiến của bộ đội của ta còn có hạn, chủ yếu lấy đánh địch ngoài công sự là chính, cách đánh "đánh điểm, diệt viện" và tiến công địch phòng ngự trong cứ điểm và cụm cứ điểm, riêng đánh tập đoàn cứ điểm bộ đội ta chưa kinh nghiệm, ít kinh nghiệm đánh hiệp đồng lớn.
Trước hiện thực khách quan trên và yêu cầu đặt ra đối với chiến dịch, để giành được thắng lợi quyết định, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc", sáng tạo vận dụng cách đánh chiến dịch, với nội dung cốt lõi là: Vây hãm kết hợp với đột phá lần lượt có trọng điểm từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng bộ phận, làm suy yếu địch, tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch ta đã nghiên cứu kỹ lưỡng về hình thức phòng ngự mới (tập đoàn cứ điểm) và đánh giá khách quan khả năng của ta, thấy rằng ta không thể đồng loạt tiến công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự của địch, mà phải bằng cách trói địch lại ở từng phân khu, cụm cứ điểm và cứ điểm để tiêu diệt địch.
Bởi vậy, ngay từ đầu ta đã sớm hình thành thế bao vây. Chiến dịch dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân phát triển và thế trận cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 tạo ra, nhanh chóng cắt các ngả đường từ Lai Châu đi Điện Biên; Tuần Giáo - Điện Biên; Điện Biên - Sộp Nao, Thượng Lào.
Đồng thời quân ta chốt chặn cả hai đầu con đường độc đạo Bắc, Nam dọc cánh đồng Mường Thanh từ Bản Tấu đến Pom Lót đẩy địch ở Điện Biên Phủ vào thế bị cô lập. Cùng với chia cắt, chốt chặn, ta tăng cường lực lượng, bố trí Đại đoàn 308 ở phía Bắc và Tây Bắc; Đại đoàn 312 ở phía Đông Bắc; 2 trung đoàn thuộc Đại đoàn 316 ở phía Đông; Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 ở phía Nam, thành thế bao vây, áp sát quân địch, thắt chặt hơn quanh cánh đồng Mường Thanh.
Cuối tháng 1/1954, khi chuyển sang phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, với ý chí quyết tâm cao và sự sáng tạo quân ta đã xây dựng hệ thống chiến hào hàng trăm km ngày càng ken dày và siết chặt, từng phân khu, từng cụm cứ điểm thậm chí từng cứ điểm làm thất bại mọi kế hoạch rút chạy khỏi Điện Biên Phủ của địch.
Với thế trận bao vây, hệ thống trận địa vững chắc ngày càng tiến sâu, áp sát, hãm địch trong tập đoàn cứ điểm, từng cụm cứ điểm, từng cứ điểm đã hạn chế được sức mạnh của chúng, không thể dùng không quân để đánh vào đội hình tiến công của chiến dịch.
Mặt khác, dựa vào hệ thống giao thông hào, chiến hào ta cơ động lực lượng, phương tiện qua những khoảng đồi trống, kể cả ban ngày dưới làn hỏa lực, phi pháo ác liệt của địch vào triển khai tiến công bảo đảm an toàn, sự sáng tạo này đã làm hạn chế sức mạnh phi pháo của địch.
Cùng với hạn chế điểm mạnh, thế trận của ta đa khoét sâu chỗ yếu của chúng. Mặc dù, Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất ở Đông Dương, nhưng lại ở vào thế cô lập giữa núi rừng rộng lớn Tây Bắc và Thượng Lào, rất xa căn cứ hậu phương nhất là căn cứ không quân lớn của địch.
Do đó, mọi việc tăng viện tiếp tế đều hoàn toàn dựa vào đường không, nên khi bị ta bao vây, khống chế các sân bay như Mường Thanh, Hồng Cúm, tổ chức hệ thống phòng không chia cắt trên không, tạo ra một thế trận hoàn hảo, đường hàng không của địch hoàn toàn bị cắt đứt, đẩy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thế phòng ngự bị động trong những điều kiện ngày càng khó khăn. Như vậy, hoạt động vây hãm, bằng hệ thống trận địa xuất phát tiến công qua hàng rào, sân bay, vật cản của địch đã đánh vào điểm yếu chí mạng của chúng, góp tạo điều kiện có lợi để đột phá tiêu diệt địch.
Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh với 49 cứ điểm hầu hết tập trung ở phía Bắc cánh đồng Mường Thanh, chúng chiếm các điểm cao có lợi từ Tây - Bắc sang Đông - Nam, triển khai phòng ngự hình thành các cụm cứ điểm ngoại vi bảo vệ phân khu Trung tâm.
Trong khi so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch không nhiều, nhưng địch hơn hẳn ta về không quân và cơ giới. Trước tình hình như vậy, ta khó có thể tiến công đồng thời các cụm cứ điểm, các phân khu và tập đoàn cứ điểm giành thắng lợi quyết định.
Để đảm bảo chắc thắng, Bộ tư lệnh chiến dịch đã sáng tạo lựa chọn cách đánh vây hãm kết hợp đột phá lần lượt tiêu diệt, bóc từng lớp, tạo thời cơ tiếp tục lập thế bao vây, thắt chặt trung tâm phòng ngự của địch đột phá giành thắng lợi quan trọng, tiến tới tổng công kích giành thắng lợi quyết định.
Với thế trận bao vây rộng, cùng hệ thống giao thông hào chiến hào áp sát, siết chặt các cứ điểm, cụm cứ điểm vòng ngoài, đúng 17h ngày 13 tháng 3, ta tập trung ưu thế binh hỏa lực mạnh hơn hẳn địch bắt đầu tiến công, bằng sức mạnh hiệp đồng chặt chẽ giữa hỏa lực pháo binh với bộ binh, quân ta đột phá mạnh, nhanh chóng đập tan các ổ đề kháng Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo ở phân khu Bắc, phòng tuyến vòng ngoài của địch bị phá vỡ, cánh cửa phía Bắc vòng ngoài tập đoàn cứ điểm được mở toang, quân ta tạo được bàn đạp vững chắc để tiến xuống khu Trung tâm đẩy địch vào tình thế khó khăn.
Những thắng lợi mở đầu vô cùng quan trọng, tạo ra thời cơ mới, quyết tâm tiêu diệt càng cao, quân ta khẩn trương bắt tay làm mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công mới, đẩy mạnh xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây, bao gồm những đường hào giao thông trục chạy xung quanh phân khu Mường Thanh, cắt đứt phân khu Trung tâm và phân khu Nam, nhiều tuyến hào giao thông có công sự chiến đấu tỏa ra từ các triền núi áp sát trận địa của địch, vây ép quân địch ở cả bốn phía tạo điều kiện cho đột phá đợt hai của chiến dịch được thuận lợi.
Đúng 18h30 ngày 30/3, ta sử dụng 5 trung đoàn nhằm đánh chiếm khu vực điểm cao phía Đông và các mục tiêu lân cận với binh lực của địch ở đó có tới 5 tiểu đoàn, ta phải dàn mỏng lực lượng, hỏa lực dàn đều trên các mục tiêu, không xác định rõ cứ điểm đồi A1 là mục tiêu chủ yếu để dứt điểm.
Nhưng ở phía Bắc, Tây Bắc ta đào hào, đánh lấn chia cắt sân bay, đưa trận địa bao vây tiến công vào gần trung tâm phòng ngự địch, tạo ra thế uy hiếp cực kỳ lợi hại. Do có thế trận vây hãm được tăng cường tạo cho quân ta đột phá chắc thắng trong các trận tiếp sau, đặc biệt là những trận đột phá mang tính chất then chốt như trận cứ điểm A1, C1- C2. Từ những trận vây hãm địch ngày một chặt hơn đã làm suy yếu địch để ta tổng công kích thắng lợi.
Vây hãm tạo điều kiện cho đột phá, đột phá thắng lợi tạo cho vây hãm chặt hơn, từng bước làm suy yếu quân địch cả về lực lượng và thế trận, tiến tới tổng công kích. Đó là sự lựa chọn cách đánh chiến dịch hết sức sáng tạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thắng lợi thể hiện sự sắc bén của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh; sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp để đánh địch làm cho địch đông hóa tản, mạnh hóa ra yếu, nhưng trong đó sự phát triển toàn diện và đỉnh cao của nghệ thuật thuật chiến dịch là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của chiến dịch, trong đó sáng tạo trong lựa chọn cách đánh chiến dịch là nhân lõi tạo ra chiến thắng chấn động địa cầu.
Chiến thắng trên buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève về khôi phục hòa bình Đông Dương. Chấm dứt chế độ thực dân kiểu cũ, không chỉ ở các nước Đông Dương mà trấn động đến phong trào giải phóng dân tộc chống thực dân trên phạm vi thế giới, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thực dân kiểu cũ trên thế giới.
Những nét sáng tạo của nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói chung, cách đánh chiến dịch nói riêng là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, có giá trị nghiên cứu, vận dụng vào hoạt động thực tiễn quân sự, bổ sung phát triển nghệ thuật chiến dịch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, góp phần tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia, ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, sẵn sàng thực hiện thắng lợi các chiến dịch khi có chiến tranh xảy ra. Thực hiện thành công quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thượng tá Trần Văn Tưởng - Thượng tá Lưu Mạnh Hùng Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng