Bão số 3 là cơn bão đặc biệt, hình thành phía Đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Bão lớn, gió giật mạnh khiến 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027ha cây ăn quả bị hư hại; hơn 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi.
Trong đó, tại Quảng Ninh, khi bão số 3 đổ bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 giật cấp 16, khiến hàng nghìn cây xanh bị gãy, đổ. Hàng loạt cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh có công trình bị hư hại.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 336ha lúa bị đổ, ngập úng. Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; tại các địa phương có 2.083 nhà bị tốc mái; 6 phương tiện vận tải thủy, 1 tàu du lịch, 18 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt.
Tại TP Hải Phòng, về nông nghiệp, diện tích lúa có khoảng 5.000ha đang trổ bông bị hư hại, 1.750ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, 1.000ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng, 400ha hoa và cây cảnh bị ảnh hưởng. Tình hình thiệt hại ở mức rất lớn và chưa thể đánh giá, thống kê chính xác, chi tiết.
Tỉnh Nam Định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 (bão Yagi). Theo đó, trong thời gian bão đổ bộ (khoảng từ 13h đến 19h30' ngày 07/9), trên vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, biển động dữ dội; trên đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10 kèm theo mưa.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ phòng, chống bão lũ ở mức cao nhất.
Tuy nhiên, do mưa lớn kèm do giật mạnh, nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản vẫn bị ảnh hưởng.
Trao đổi với PV, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại 5.000ha lúa; 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu; 20ha cá da trơn, 220ha tôm thâm canh; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ...
Tại HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền (thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Bình thông tin, trước khi bão đổ bộ, HTX có 12,5ha nuôi trồng, gồm 4 tấn cá hồng Mỹ, 2 tấn tôm, 6 tấn ốc hương. Riêng cá thịt, giá thị trường hiện tại khoảng 100 nghìn đồng/kg.
Bão vào kèm mưa lớn, gió giật khiến nước trong ao đầm bị tràn, thiết bị phục vụ sản xuất bị hư hỏng, ước tính thiệt hại rất lớn.
Lãnh đạo UBND huyện Giao Thủy (Nam Định) cho hay, toàn huyện có 200ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, trong đó, 2 bể nuôi tôm thẻ bị chết; 58ha hoa màu bị ngập, diện tích lúa bị ngập vẫn đang thống kê. Lực lượng chức năng đã tiến hành bơm tiêu để người dân sớm hoạt động sản xuất trở lại.
UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra; trước mắt tiêu úng thoát nước tại khu vực bị úng, ngập để đảm bảo sản xuất nông nghiệp; tập trung sửa chữa cơ sở hạ tầng; sửa chữa đảm bảo hệ thống lưới điện được thông suốt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tại tỉnh Hải Dương, về sản xuất nông nghiệp có khoảng 10.000ha lúa bị đổ; khoảng 1.600ha cây rau màu bị dập nát và hơn 600ha cây ăn quả gãy, đổ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng.
Tại tỉnh Thái Bình, bão số 3 gây thiệt hại nặng nề ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có 28.000ha lúa bị thiệt hại từ 30-70%; 27.000ha bị thiệt hại trên 70%. Về rau màu vụ đông mới trồng và rau màu vụ hè thu chưa thu hoạch, có 585ha bị ảnh hưởng từ 30-70%; 2.760ha bị ảnh hưởng trên 70%. Cây ăn quả có 1.215ha bị ảnh hưởng từ 30-70%; 170ha bị ảnh hưởng trên 70%. Diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000ha. Tình hình công trình đê điều, sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng.
Tỉnh Thái Bình cho biết tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.