Luận án có tiêu đề "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" được công bố trên trang luanvan.moet.edu.vn- một website chính thức của Bộ GD-ĐT đăng tải thông tin luận văn tốt nghiệp và luận án tiến sĩ của các cơ sở đào tạo.
Trên luanvan.moet.edu.vn luận án tiến sĩ giáo dục học nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La của tác giả Đặng Hoàng Anh, được Viện khoa học Thể dục thể thao phát hành. Ngành nghiên cứu: Giáo dục học.
Cán bộ hướng dẫn khoa học là GS.TS Lưu Quang Hiệp (GS Hiệp đã mất- PV) và PGS.TS Đặng Văn Dũng- hiện là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Bản đầy đủ luận án của tác giả Đặng Hoàng Anh có 126 trang A4, gồm có 3 chương, trong đó những đóng góp mới của luận án được nêu như: Thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy, còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế. Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.
Quá trình nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, bao gồm: Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu Cầu lông; Phát triển môn cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; Tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào Cầu lông cho công chức, viên chức; Hoàn thiện hệ thống thi đấu Cầu lông cho công chức, viên chức; Mở rộng các hình thức tập luyện Cầu lông cho công chức, viên chức. Khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào Cầu lông của công chức, viên chức.
Trên cơ sở thực nghiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn Cầu lông. Kết quả thực nghiệm cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15.38 % đến 133.33 %). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác xuất thống kê cần thiết.
Là một công chức ở Sơn La, chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Đăng Dưỡng, Văn phòng Sở GD-ĐT Sơn La, cho hay ông có nghe thông tin về luận án tiến sĩ nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La.
Ông Dưỡng cho rằng tác giả đã đặt tên luận án không khéo. Có thể hàm ý của tác giả là muốn phát triển phong trào chơi cầu lông (không phải chuyên nghiệp) dành cho cán bộ công chức, viên chức để nâng cao sức khoẻ. Như vậy ý đồ ở đây là rất tốt, nhưng đặt tên luận án như vậy đã gây ra sự hiểu lầm. Đầu tiên khi nhìn vào tên đã gây ra ý nghĩ sai lệch, nhiệm vụ của công chức, viên chức không phải chơi cầu lông mà nhà nước trả tiền để họ làm việc, phục vụ nhân dân.
Theo ông Dưỡng, nếu tác giả để là giải pháp để phát triển phong trào cầu lông thì rõ ràng ý nghĩa hơn vì đây là việc mang tính chất việc ngoài giờ, khơi dậy cho công chức, viên chức phong trào thể dục thể thao sau những giờ làm việc căng thẳng, vừa giải trí vừa nâng cao sức khoẻ đảm bảo cho quá trình công tác.
“Tôi chưa đọc nội dung luận án nhưng chỉ qua cái tên cho thấy tác giả quá vội vàng khi đặt tên, không phù hợp”- ông Dưỡng nói.
TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục nhận định có thể tác giả là người thuộc lĩnh vực thể dục thể thao và để đánh giá luận án này có “xứng tầm” tiến sĩ hay không thì chắc chắn phải ý kiến của bên lĩnh vực này.
Tuy nhiên ở lĩnh vực giáo dục học (theo luận án nêu), TS Lê Đông Phương, cho rằng khi xem mục lục của luận án ông thấy có những vấn đề rất lớn, đầu tiên là các chương không đồng đẳng với nhau, không có mạch đi liền. Trong đó chương 1, tác giả nói về đặc điểm của một bộ môn thể thao, nhưng chương 3 lại giống như luận án quản lý giáo dục nêu về giải pháp phát triển… Như vậy điểm yếu của luận án này là không có khung lý thuyết trọn vẹn, không giải quyết được bài toán khoa học dù có nội hàm khoa học. Tức câu chuyện để phát triển phong trào cầu lông thì cần cái gì, góc độ của giáo dục ở chỗ nào thì không nhìn thấy.
TS Lê Đông Phương phân tích, nếu luận án này thuộc quản lý giáo dục thì có lý hơn là giáo dục học nhưng tác giả để mã đúng là giáo dục học. Ở chương 1, mục 1.5 tác giả nêu đặc điểm hoạt động của môn cầu lông không có phần nào của giáo dục; mục 1.4, yếu tố đảm bảo cho công tác thể dục thể thao trong các cơ quan hành chính nhà nước thì về mặt pháp lý có ràng buộc cơ quan hành chính nhà nước phải có hoạt động thể dục thể thao không, tức nó là một mặt của giáo dục hay chỉ là hoạt động phong trào. Mục 1.7 quy hoạch và giải pháp phát triển môn cầu lông thì thuộc vấn đề quản lý. Như vậy chỉ trong 1 chương nhưng tác giả đi từ khía cạnh của thể thao, pháp lý, rồi xoay sang khía cạnh quản lý chứ không có yếu tố giáo dục học.
Ở chương 3, tác giả nêu về phong trào cầu lông, nhu cầu động cơ, cơ sở vật chất… những vấn đề này không nằm trong tính pháp lý hay ràng buộc. Sau đó tác giả nêu thực trạng thể lực chung- đây là vấn đề khó và trong khuôn khổ của 1 luận án như thế này không thể làm được. Ông Phương nhìn nhận luận án này là sự pha tạp nên không giải quyết được luận điểm khoa học nào và thiếu tố chất giáo dục học.
Lê Huyền
Công chức xin đi học thạc sĩ, tiến sĩ
'... quan trọng là làm thế nào có cơ chế chọn người tài cho đúng năng lực, không chạy theo bằng cấp thì việc đầu tư cho công chức học thạc sĩ, tiến sĩ sẽ quay về với đúng ý nghĩa của nó'
Vừa dẹp 'lò đào tạo' 1 tiến sĩ/ngày, lại lo xuất hiện loạt tiến sĩ 'hình thức'
Hai nhà khoa học tên tuổi bày tỏ lo ngại về chuẩn tiến sĩ mới do Bộ GD-ĐT công bố có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học và sau đại học của Việt Nam trong tương lai.
Nguyên Viện trưởng Toán học: 'Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới'
"Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... cũng không thể ngăn cản được việc cho ra lò các tiến sĩ rởm”.
Dự kiến đào tạo 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ
Trong 10 năm tới, giáo dục đại học Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.