Bộ trưởng cho biết, đến nay đã nhận được 77 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 15 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường về dự án Luật. Đối với các ý kiến phát biểu tại tổ, Bộ TT&TT đã có Báo cáo số 164 ngày 9/11 để giải trình, tiếp thu.
Đối với các ý kiến phát biểu tại hội trường của ĐBQH sáng nay, Bộ trưởng cho hay đây là các ý kiến rất xác đáng, phong phú, đa chiều, dưới nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều thí dụ và tình huống khác nhau để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu. Bộ TT&TT đã lắng nghe, ghi chép cẩn thận và sẽ phối hợp với Ủy ban KHCN&MT và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc cơ bản căn bản của môi trường số thì sẽ không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, thậm chí có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.
Do đó, ban soạn thảo đã cân nhắc hết sức thấu đáo, mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng Luật trên nguyên tắc ngành nào quản lý lĩnh vực nào thì sẽ quản lý lĩnh vực đó trên môi trường số.
Bộ TT&TT sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và cũng sẽ không có bộ nào, ngành nào làm việc này; sẽ không có một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số.
Bộ TT&TT sẽ không làm thay công việc của các bộ ngành và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Bộ trưởng cho biết, Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc “thực sao thì số vậy” và “số phải phong phú hơn thực”. Trong đời thực có những loại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Do đó, Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn.
Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong Luật này.
Về phạm vi áp dụng Luật dựa trên cơ sở hiện nay công nghệ số đã sẵn sàng, phổ biến, an toàn, tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho các giao dịch trên môi trường số.
Việc mở rộng phạm vi là để cho phép tất cả các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử. Luật phải dễ hiểu và dễ thực thi.
Bộ trưởng cũng đánh giá, Luật Giao dịch điện tử là luật khó, có một số thuật ngữ, một số từ, một số câu được dịch từ tiếng nước ngoài, chưa Việt hóa được, gây khó hiểu, như dịch vụ tin cậy, thông điệp dữ liệu, cấp dấu thời gian,... Để người dân dễ áp dụng thì ngôn ngữ trong luật phải trong sáng, dễ hiểu hay chính xác và phổ thông, như ĐBQH phát biểu.
Vì vậy, Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số mang tính toàn dân và toàn diện. Đồng thời, các quy định đưa ra cũng phải được tính toán rất kỹ về tính khả thi, có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển.
"Chúng ta đang chuyển từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin thì từng phần, chuyển đổi số thì toàn dân và toàn diện. Luật Giao dịch điện tử lần này có đặt mục tiêu là phục vụ cho chuyển đổi sang môi trường số một cách toàn diện và toàn dân, ít nhất cũng là tạo ra cơ sở pháp lý cho sự chuyển đổi toàn dân và toàn diện này. Luật Giao dịch điện tử phức tạp và rất khó nhưng lại có thuận lợi là nhiều nước đã đi trước chúng ta", Bộ trưởng TT&TT phân tích.
Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để nghiên cứu, chắt lọc các nội dung, đảm bảo theo kịp với xu thế của thế giới và vẫn phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn được tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý của ĐBQH để luật được hoàn thiện, ban hành và sớm đi vào cuộc sống, góp phần giúp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số thành công, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, sớm để Việt Nam trở thành một quốc gia số phát triển an toàn, nhân văn và rộng khắp.