Việc xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua được nhận định là rất cần thiết, nhằm hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật Giao dịch điện tử năm 2005, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội số, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Trong dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ TT&TT, cơ quan được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật này, đã nêu rõ mục đích xây dựng một luật thống nhất, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Với mục tiêu góp phần đảm bảo tính hợp lý và khả thi của các quy định trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích của các tổ chức, doanh nghiệp chịu sự tác động của Luật này, ngày 14/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Bộ TT&TT tổ chức hội thảo góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế.
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế số |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT cho biết, quá trình xây dựng dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Ban soạn thảo đã tham khảo các luật quốc tế, đặc biệt là các luật mẫu của liên hợp quốc để bổ sung, cập nhật vào dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Bên cạnh các luật mẫu của Liên hợp quốc, các luật của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và luật của châu Âu là những luật được đơn vị soạn thảo tìm hiểu, nghiên cứu sâu.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Đường, từ cuối tháng 4, Bộ TT&TT đã công bố và lấy ý kiến rộng rãi góp ý cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
“Ban soạn thảo đã nhận được 90 văn bản góp ý, trong đó có hơn 850 ý kiến góp ý cụ thể. Các ý kiến góp ý đã được tiếp thu đầy đủ. Theo đó, dự thảo tiếp thu hoàn thiện đã giảm còn 8 chương, 60 điều so với 11 chương, 104 điều của dự thảo gửi xin ý kiến”, ông Nguyễn Trọng Đường cho hay.
Trao đổi tại hội thảo, các chuyên gia đã theo dõi tiến trình xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đều đánh giá cao sự cầu thị và tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ TT&TT và dự thảo gần đây nhất của Luật đã có những cải thiện đáng kể so với các dự thảo trước đó.
Cụ thể là, dự thảo Luật đã khẳng định tính hợp pháp của giao dịch điện tử và việc sử dụng các công cụ điện tử trong các giao dịch, đồng thời các điều khoản trong dự thảo đã tập trung điều chỉnh các hình thức điện tử của giao dịch như chữ ký số, chứng thư số, hợp đồng điện tử và thông điệp điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn có ý kiến cho rằng dự thảo vẫn còn một số quy định chưa phù hợp với phạm vi và mục tiêu chung của Luật, tạo nên sự trùng lặp, chồng chéo với luật chuyên ngành.
Ông Trần Mạnh Hùng, Luật sư điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN cho rằng: Các dịch vụ như dịch vụ Internet, dịch vụ viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây hay dịch vụ nền tảng số hiện đang được điều chỉnh bởi những luật có liên quan như Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định về quản lý hoạt động Internet, thương mại điện tử… Vì vậy, việc quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ này một cách chung chung như trong chương V của dự thảo Luật là không cần thiết và không có ý nghĩa trong việc quản lý hay thúc đẩy các giao dịch điện tử.
“Phần lớn Luật Giao dịch điện tử của các quốc gia trên thế giới chỉ tập trung vào quản lý tính pháp lý của các phương tiện hoặc yếu tố điện tử của các giao dịch như chữ ký số, chứng thư điện tử, hợp đồng điện tử… chứ không quản lý các dịch vụ số hoặc nền tảng liên quan”, luật sư Trần Mạnh Hùng nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng những biện pháp các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ giao dịch điện tử trong dự thảo mới nhất là quá chặt chẽ và có thể dẫn tới sự lạm quyền. Với nội dung này, quy định trong dự thảo trước đây được đánh giá là hợp lý hơn, khi các biện pháp giải quyết tranh chấp chỉ được áp dụng khi các bên có liên quan yêu cầu.
Một số ý kiến cũng nhận định hiện trong dự thảo Luật còn có khái niệm chưa được đề cập đến hoặc được quy định chung chung, nên có thể gây ra những bất cập trong quá trình thực hiện sau này. Ví dụ như khái niệm “dữ liệu” trong dự thảo rất rộng và hiện không có định nghĩa về “bên xử lý dữ liệu”. Điều này có thể gây ra không ít bất cập khi đưa vào triển khai.
Ngoài ra, một số ý kiến về điều khoản miễn trừ trách nhiệm của các nền tảng liên quan đến nội dung hoặc hoạt động của người dùng, hay điều khoản chuyển tiếp cũng đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo.
Sau buổi hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ được VCCI tổng hợp và gửi các cơ quan liên quan. Theo lộ trình, vào tháng 10 năm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự kiến tháng 5/2023, Quốc hội sẽ xem xét việc thông qua dự thảo Luật này.
Vân Anh
Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cần đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, các nội dung của Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và cuộc cách mạng 4.0.