Đạo luật mới nhằm đáp lại những phản ứng dữ dội của dư luận sau khi vụ án có tên là Wolf Pack cách đây 4 năm đã tạo động lực cho phòng trào nữ quyền ở quốc gia này.
Đạo luật do Chính phủ đề xuất có tên là “Ony yes is yes” (Chỉ khi nói đồng ý mới là đồng ý) đã coi tội lạm dụng tình dục và tấn công tình dục đều đủ điều kiện để gọi là hiếp dâm. Với luật mới này, nạn nhân sẽ không còn phải chứng minh vụ việc có sự xuất hiện của bạo lực hay phản kháng.
Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Irene Montero cho biết: “Các khẩu hiệu như ‘chỉ khi nói đồng ý mới là đồng ý’, ‘tôi tin các chị em’ cuối cùng cũng trở thành điều luật. Kể từ bây giờ, Tây Ban Nha là một quốc gia tự do hơn và an toàn hơn cho tất cả phụ nữ”.
Chống bạo lực giới đã được coi trọng hơn trong chương trình nghị sự của Chính phủ Tây Ban Nha kể từ khi xuất hiện vụ án Wolf Pack - trong đó 5 người đàn ông bị bỏ tù vì tội lạm dụng tình dục sau khi cưỡng hiếp tập thể một cô gái tại Lễ hội Pamplona năm 2016.
Các cuộc biểu tình hàng loạt chống lại bản án mà dư luận cho là “quá nhẹ” đã thu hút sự chú ý của quốc tế, từ đó dẫn đến một phiên kháng cáo vào năm 2019. Trong phiên kháng cáo này, Toà án tối cao đã phán quyết các bị cáo phạm tội hiếp dâm và tuyên phạt họ mức án dài hơn.
Mới đây, 2 vụ việc được cáo buộc là hãm hiếp một cô gái 18 tuổi và lạm dụng tình dục 2 bé gái 12 và 13 tuổi lại một lần nữa gây chấn động dư luận Tây Ban Nha.
Nếu bị cáo là trẻ vị thành niên, điều luật mới này sẽ yêu cầu thủ phạm phải được giáo dục về bình đẳng và giới tính.
Trước đó, trong một nỗ lực khác nhằm đẩy mạnh nữ quyền, Chính phủ nước này cũng đề xuất một dự thảo luật nhằm củng cố quyền phá thai và đưa Tây Ban Nha trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu có chế độ nghỉ phép có lương (do Chính phủ tài trợ) với những phụ nữ là nạn nhân của tội phạm tình dục.
Theo Reuters