Sáng 24/11, với 468/472 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật gồm 10 chương, 73 điều.
Trả lời VietNamNet, đại diện Cục Viễn thông cho hay, Luật Viễn thông được nghiên cứu và chỉnh sửa dựa trên những kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cũng như xu hướng tại Việt Nam.
Cụ thể, Luật Viễn thông (sửa đổi) đã nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến mới có sửa đổi, điều chỉnh khung pháp lý về viễn thông trong những năm gần đây, như các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN như Malaysia, Singapore… để kịp thời bổ sung quy định quản lý đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, phù hợp với xu thế phát triển lĩnh vực viễn thông, xu hướng hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ với tốc độ chưa từng có trong hơn 10 năm qua, có tác động lớn đến lĩnh vực viễn thông.
Hạ tầng viễn thông vốn là hạ tầng thông tin liên lạc truyền thống đã trở thành một loại hạ tầng mới là hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số.
Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và phổ cập, hạ tầng IoT, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số như dịch vụ và nền tảng số có tính chất hạ tầng.
Hạ tầng số có vai trò quan trọng hơn rất nhiều hạ tầng thông tin liên lạc, phải đảm bảo băng rộng và siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh và an toàn. Việc phát triển hạ tầng số sẽ ngày một tốn kém và cần thiết phải được tích hợp, dùng chung với các hạ tầng khác.
Trong xu thế chuyển đổi số, dữ liệu trở thành tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số, là đầu vào mới của sản xuất, nên nhiều nước rất coi trọng hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và đưa ra các chính sách, quy định để quản lý.
Trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ trở thành cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số, cần có chính sách phù hợp để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Đại diện Cục Viễn thông cho rằng, sự hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin và gần đây là hội tụ với công nghệ số. Sự hội tụ này làm mờ đi ranh giới giữa viễn thông và công nghệ thông tin, đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng, hoàn thiện thể chế.
“Trước đây, cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng mạng viễn thông. Quản lý doanh nghiệp hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông. Nhưng ngày nay, trên Internet có thể cung cấp được các dịch vụ viễn thông (bao gồm cả những dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet), dịch vụ viễn thông xuyên biên giới. Điều này đặt ra bài toán về quản lý các dịch vụ viễn thông trên Internet, quản lý dịch vụ viễn thông xuyên biên giới bảo đảm nguyên tắc quản lý bình đẳng giữa các dịch vụ viễn thông và vấn đề an toàn, an ninh”, đại diện Cục viễn thông cho hay.
Chia sẻ tiếp về thực tiễn tại Việt Nam, Cục Viễn thông cho hay, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU... với những cam kết mới và cao hơn so với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Môi trường pháp luật chung cũng có nhiều thay đổi, từ sau năm 2010, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá... đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung có các nội dung liên quan đến lĩnh vực viễn thông.
Do đó, Luật Viễn thông cần được xem xét, điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn với các luật khác đã có hoặc đang sửa.
Luật Viễn thông sửa đổi đã được nghiên cứu xây dựng dựa trên kinh nghiệm quốc tế, xu hướng phát triển và các yêu cầu thực tiễn của ngành viễn thông Việt Nam, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan gây hạn chế quá trình phát triển.
Bên cạnh đó, Luật Viễn thông sửa đổi sẽ đồng bộ với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, định hướng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo hướng bền vững, hiện đại; hình thành hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số - xã hội số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Đại diện Cục Viễn thông còn nhấn mạnh, Luật Viễn thông sửa đổi sẽ tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển viễn thông tại các nghị quyết của Đảng và nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển về viễn thông trên thế giới.