Trong những ngày này đi đến đâu người ta cũng nói về chuyện “cách mạng”, “đổi mới”. Như cảm nhận của một chuyên gia, nó làm ta nhớ lại không khí của những năm đầu của thời kỳ đổi mới, bỏ quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một sự dũng cảm, hào hứng kèm theo đó là nỗi lo thường nhật của bất cứ ai: Nhà nước bỏ tem phiếu, bỏ sổ gạo lỡ “chết đói” thì biết trông vào đâu?
Và rồi kết quả như chúng ta thấy trải qua mấy chục năm đổi mới mà ngày nay chúng ta đã có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” lớn như vậy.
Tinh gọn bộ máy giờ đây đã trở thành mệnh lệnh
Nếu như đổi mới đưa Việt Nam thoát cảnh đói nghèo, ăn đong thì “đổi mới của đổi mới” sẽ là cơ hội để đưa dân tộc ta chuyển mình để từng bước sánh ngang tầm thời đại.
Nhưng cải cách đổi mới nào cũng gặp những trở lực. Cách mạng nào cũng phải có sự dũng cảm, hy sinh và ở đây cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy trước hết đòi hỏi sự gương mẫu, hy sinh của những người cộng sản chân chính.
Như cách nói dung dị mà dễ hiểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Nhẹ để cất cánh” mới chuyển mình được! Bộ máy kềnh càng, chức năng nhiệm vụ, chồng chéo, nhiều tầng nấc với số người hưởng lương từ ngân sách quá lớn, (70% chi cho bộ máy) không chỉ làm cho bầu sữa ngân sách cạn kiệt, không còn vốn để đầu tư cho phát triển mà còn gây ra biết bao hệ lụy lãng phí, làm nản lòng các nhà đầu tư trong và ngoài nước, gây phiền hà, tốn kém cho người dân trong cuộc sống thường nhật.
Vì vậy, tinh gọn bộ máy giờ đây đã trở thành mệnh lệnh. “Thà ít mà tốt” theo cách nói của V.I.Lê nin. Nhưng đây lại là một điều cực kỳ khó khăn, thậm chí khó khăn nhất của quá trình đổi mới vì nó đụng chạm đến tâm tư, tình cảm nguyện vọng và lợi ích thiết thân của mỗi người trong hệ thống chính trị.
Nó thực sự là cuộc cách mạng vì đòi hỏi sự hy sinh. Tinh gọn đương nhiên sẽ dẫn đến giảm đầu mối, giảm vị trí lãnh đạo quản lý. Không thể nói không có tâm trạng khi từ một ông Tổng cục trưởng nay trở thành một Cục trưởng, đang là cấp trưởng xuống làm cấp phó, thậm chí trở thành công chức bình thường.
Rồi những người bao năm cặm cụi, phấn đấu, được quy hoạch nay trở thành hy vọng mong manh, vị trí đó bỗng chốc trở nên xa vời. Kèm theo đó là những lợi ích về tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ mà bất cứ ai cũng phải quan tâm vì cuộc sống mưu sinh.
Chính những lúc này khi đụng chạm về lợi ích con người mới bộc lộ phẩm chất, đạo đức, mới đòi hỏi đức hy sinh của người đảng viên cộng sản, tính tiền phong gương mẫu của những người lãnh đạo, đứng đầu.
Cần phải nói thẳng thắn rằng sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống đã dẫn đến không ít cán bộ, đảng viên coi mục tiêu của sự phấn đấu là để thăng tiến, vì những lợi ích của cá nhân mà quên mất lời thề vì dân vì nước mà chấp hành mọi sự phân công của Đảng, của tổ chức.
Cuộc sống vật chất xa hoa lãng phí là hình ảnh không thiếu trong đội ngũ chúng ta và cũng đã có người phải trả giá khi bị xử lý kỷ luật, thậm chí tù ngục. Lúc này đây cần phải nhắc lại những lời răn dạy của Bác Hồ, làm cán bộ là đầy tớ của dân, mọi sự phấn đấu hy sinh đều vì lợi ích của nhân dân chứ không phải để lên mặt “quan cách mạng”, để “vinh thân phì gia”.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", lúc này đây đứng trước những yêu cầu của cuộc cách mạng bộ máy, đứng trước những sự “được mất” mới biết ai là người chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì sự nghiệp lớn, ai là kẻ vị kỷ chỉ lo cho cái ghế của mình.
Đã là người cộng sản thì không nề hà mọi khó khăn, gian khổ, không thể tính toán so đo, bởi “việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm” (lời Hồ Chủ tịch).
Xin được nhắc lại câu nói mộc mạc nhưng đầy khí chất cộng sản của Hồ Giáo, người hai lần là Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội 3 khóa liền (khóa 4, 5, 6) mà gần như cả cuộc đời chỉ là anh hùng chăn bò: “Cách mạng cần, việc nhỏ việc to. Đánh Mỹ, nuôi bò, việc gì cũng quý!”.
“Gái có công, chồng chẳng phụ”
Đương nhiên Đảng và Nhà nước luôn tìm ra các giải pháp để hài hòa lợi ích chung và lợi ích của mỗi con người, “Việc tinh gọn rõ ràng phải có hy sinh nhưng lần này, yếu tố nhân văn cũng được đặt ra” (lời Tổng Bí thư Tô Lâm).
Nhân dân không bao giờ quên ơn những người đã có đóng góp, cống hiến vì sự nghiệp chung, “gái có công, chồng chẳng phụ”. Sự tăng cường kinh tế những năm qua cho phép chúng ta từng bước có những chính sách thỏa đáng để bảo đảm sự công bằng, bảo đảm lợi ích chính đáng cho những người có liên quan.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, liên quan đến chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo nghị định, báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian gần nhất, trong đó có các quan điểm và nguyên tắc rất quan trọng.
Một là, làm cuộc cách mạng thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng, đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tổng tương quan chung hợp lý giữa các đối tượng nhằm ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.
Thứ hai, tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích đối tượng nghỉ ngay, nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thứ ba, việc xây dựng chính sách gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt trong đó nhấn mạnh quan tâm duy trì giữ chân cán bộ tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ để không “chảy máu chất xám”.
Chưa bao giờ chúng ta quyết tâm đến như thế, cũng chưa bao giờ giữa lời nói và việc làm gần nhau đến vậy, "ngày chủ nhật vẫn phải triển khai không ngừng nghỉ" (lời Tổng Bí thư Tô Lâm) và hơn lúc nào hết bây giờ là lúc những người cộng sản cần thể hiện đức hy sinh vì dân, vì nước, để đất nước chuyển mình sang kỷ nguyên phồn thịnh, ấm no.
Những người sợ tinh giản thì không xứng đáng tiếp tục làm công chức