- Vừa tròn 22 tuổi, mang trong mình phơi phới nhiệt huyết, kỳ vọng, tin yêu về nghề giáo viên mầm non, Thùy quyết định rời quê lên Thủ đô để thỏa mãn niềm say mê nuôi dạy trẻ.
Đồng lương bọt bèo
Lê Thị Thùy tốt nghiệp khoa Giáo dục mầm non của Trường CĐSP Thái Bình.
Trong từng lời nói của cô giáo trẻ đều ánh lên niềm hy vọng. “Nghề giáo” – hai chữ ấy được Thùy nhắc đến thiêng liêng lắm. Ra trường, Thùy xin vào một trường mầm non tư thục trên thành phố.
Hỏi Thùy dạy trẻ có vui không, cô trả lời: “Vui chứ. Vui nhất là khi được chơi đùa, tiếp xúc với trẻ. Và quan trọng nhất, em rất thích trẻ con”.
Công việc của Thùy bắt đầu từ 6h40 sáng đến 6 giờ chiều. Sáng nào cũng vậy, Thùy dậy thật sớm để đến lau dọn lớp học. Ban ngày, cô quẩn quanh với việc chăm sóc trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Khi trẻ về hết, Thùy ở lại dọn dẹp bàn ghế, quét lớp.
Buổi tối Thùy tranh thủ soạn giáo án, làm đồ chơi. Vì thế, hiếm khi cô giáo trẻ có thời gian dành cho những việc riêng tư.
Làm giáo viên mầm non như Thùy, có người yêu, nhưng đúng là không có thời gian… để nhớ. Tình yêu với Thùy bây giờ bị bó chặt trong những vội vã và lo toàn thường nhật.
Thùy kể, làm giáo viên trường tư cũng có nhiều điều cực. Dưới góc độ tuyển dụng mình cũng chỉ là kẻ đi làm thuê. Nhiều khi chủ trường phạt trừ trợ cấp cũng không dám cãi.
“Lương cơ bản của em được 3 triệu/ tháng thôi. Ngoài ra, có thêm tiền trợ cấp đứng lớp 100 nghìn, vệ sinh cho trẻ tốt 100 nghìn, trẻ tăng cân 100 nghìn, tiền điện thoại 100 nghìn, thêm giáo viên chuyên cần là 100 nghìn nữa. Cả thảy trợ cấp của em là 500 nghìn. Thế nhưng chưa tháng nào em được nhận cả”.
Ở quê của Thùy, mức lương 3 triệu đã bị coi là “khó sống”. Chưa kể, con gái tuổi đôi mươi còn phấn son, bè bạn. Vì thế, việc chi tiêu của cô giáo trẻ cũng phải tính toán rõ ràng. Tuần này tiền ăn, tuần kia tiền xe đi lại.
“Rủi mà có hai, ba đám cưới trong tháng thì cũng chẳng còn tiền mà tiêu. Nhiều khi muốn mua bánh sữa cũng phải đắn đo lắm”. Thế nên, dù có yêu, có kỳ vọng đến mấy cô cũng không tránh khỏi những tủi hờn.
“Công việc này rất áp lực. Thời gian, cường độ làm việc quá tải còn em luôn phải sống trong nỗi lo sợ về phu huynh và trẻ nhỏ. Thực sự, từ khi đi làm đến giờ em không phút nào dám lơ đễnh”.
Cô gái có dáng người nhỏ bé thỏ thẻ: “Vừa rồi, em đã quyết định xin nghỉ dạy. Em định về quê một thời gian rồi lại lên tìm công việc mới”. Nói rồi, Thùy đưa đôi mắt nhìn xa xăm. Đôi mắt bấy giờ không còn vẻ rực sáng như khi nhắc đến những đứa trẻ.
Những nỗi lo thường trực
5 năm trước, khi còn là cô sinh viên năm nhất, Thùy cũng từng ước ao được đứng lớp, được tự tay chăm sóc trẻ. Dẫu rằng cũng có nhiều người khuyên can “nghề này bạc bẽo lắm”, Thùy vẫn một hai kiên trì.
Ra trường được một năm, Thùy dần dần “vỡ lẽ”. Chăm sóc trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi rất cực. Giáo viên phải luôn chân luôn tay hết cho trẻ ăn lại ngủ. Nhiều khi lo cho trẻ này chưa xong thì trẻ khác lại tè dầm.
“Cả ngày quay cuồng với công việc nên về đến phòng em cũng rã rời không muốn làm gì nữa hết. Nhiều khi nghĩ, em lại tự so sánh mình với những người bạn cùng trang lứa. Các bạn của em ngày chỉ làm việc 8 tiếng với mức thu nhập cao gấp 2, 3 lần lương giáo viên. Còn em, ngày làm cả 12 tiếng. Đến giấc ngủ trưa cũng là cái gì đó xa vời.” – Cô giáo trẻ giãi bày.
Với những giáo viên mầm non như Thùy luôn gặp phải ba nỗi lo thường trực: Lo trẻ đói, lo trẻ bị ngã và … lo phụ huynh trách. Trong đó, nỗi lo bị phụ huynh trách là kinh khủng nhất.
“Dù mình có làm tốt đến mấy nhưng cũng không tránh khỏi thiếu sót vì lớp học quá đông. Trong khi phụ huynh không thấu hiểu công việc của giáo viên. Chỉ cần con trẻ có vấn đề gì hay xây xát chân tay là giáo viên sẽ bị buộc tội không trông nom các cháu cẩn thận. Khi trẻ không ngoan, giáo viên lại bị lôi ra để dọa như một cái gì đó đáng sợ lắm! Nhiều khi nghĩ về nghề, em thực sự cảm thấy rất tủi!”.
Hỏi về ước mơ, Thùy bảo, cũng chẳng có gì cao xa. Một công việc ổn định, một mức lương xứng đáng, một cuộc sống không còn áp lực,… là ước mơ chung của biết bao giáo viên mầm non như Thùy.
“Em chỉ mong Nhà nước có những chính sách ưu ái hơn cho giáo viên mầm non để giáo viên có thể yên tâm công tác. Còn em, có lẽ em sẽ tìm một công việc mới… bớt bạc bẽo hơn”.
Thúy Nga