Tôi được trả lương vào ngày 1-2 hàng tháng. Lương chồng tôi thì "ting ting" vào khoảng giữa tháng. Nhưng chỉ cần tới ngày 24-25 hàng tháng là nhà tôi lại méo mặt nhìn nhau, đếm ngày chờ lương.
Những khoản chi phí bất ngờ chỉ khi nuôi con mới hiểu
Một chiều, đang quay cuồng với công việc ở công ty, chị Lê Thị Hòa (31 tuổi, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) nhận được điện thoại của cô giáo báo con trai bị sốt. Chị Hòa vội vã gác lại công việc về đón con.
Theo dõi đến sáng hôm sau, thấy con vẫn không cắt sốt, chị liền bắt taxi đưa con đến khám tại một phòng khám tư thuộc quận Hà Đông, cách nhà 8km. "Tiền taxi đi và về cộng với tiền khám, mua thuốc là 1,5 triệu đồng", chị Hòa kể.
Theo chị Hòa thời điểm đó, con trai sinh năm 2020 của chị mới đi học nên liên tục bị ốm. Cứ đều đặn một, hai tuần, con chị lại bị viêm họng, viêm phế quản hay viêm tai giữa. Có những tháng, riêng chi phí điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp của con lên tới 4-5 triệu đồng.
Bà mẹ trẻ cho hay, trước đó, khi nghe bạn bè nói nuôi một đứa trẻ thường tốn không dưới chục triệu đồng một tháng, chị thường không tin.
Nhưng khi có con rồi chị mới hiểu, đôi khi có rất nhiều khoản chi phí bất ngờ hoặc không tên nằm ngoài kế hoạch xuất hiện.
Con chị Hòa đã đi học ở trường mầm non tư thục được 7 tháng. Vợ chồng chị tiết kiệm được khoản tiền thuê người giúp việc trông con (7 triệu đồng). Tuy nhiên, mỗi tháng họ cần đóng 3,5 triệu đồng tiền học tại trường tư.
Vì con không hợp với loại sữa uống ở trường nên mỗi tháng, chị mua thêm sữa công thức pha sẵn cho con (72 hộp 110ml, ngày uống 2 lần). Cộng thêm các loại sữa bột uống buổi tối, váng sữa một tuần 1 vỉ, sữa chua uống 20 lốc một tháng…., tổng tiền mua sữa cho cậu bé khoảng 2,2 triệu đồng.
Để đảm bảo con khỏe mạnh, mỗi tháng chị Hòa chi 700 nghìn đồng mua vitamin D3 và thực phẩm chức năng tăng đề kháng. Ngoài ra, chị Hòa còn chi tiền mua bỉm, quần áo, hoa quả, tiền đưa con đi chơi mỗi dịp cuối tuần… 1,5 triệu đồng.
Nữ nhân viên văn phòng ước tính, một tháng chi phí nuôi con của hai vợ chồng chị là khoảng 7,9 triệu đồng.
"Đây là các khoản cố định, chưa tính tiền tiêm phòng hay ốm đau phát sinh. Thời điểm con từ 0-12 tháng tuổi, một tháng sẽ tốn 1-2 triệu đồng tiêm phòng. Rồi khi con ốm thì như đã nói ở trên, có tháng 4 - 5 triệu đồng. Vì vậy, có khi tổng chi phí nuôi con theo tháng lên tới 12 triệu đồng", chị Hòa chia sẻ.
Có con gái 18 tháng tuổi, chị Vũ Thu Phương (ở phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) cũng giật mình khi thống kê các khoản chi phí nuôi con.
"Bình thường tôi cứ nghĩ chỉ chi hết khoảng 6 - 7 triệu đồng một tháng cho con gái, nhưng thống kê ra mới thấy con số này lên tới gần 10 triệu đồng, chiếm 1/3 tổng thu nhập của hai vợ chồng", chị Phương nói.
Chị Phương tự nhận thấy, mức chi phí nuôi con của mình khá cao. Tuy nhiên, chị cho rằng, mức tiền này nằm trong khả năng của hai vợ chồng nên vẫn muốn cố gắng dành cho con những thứ tốt nhất.
"Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều loại sữa cũng bị làm giả, làm nhái tinh vi. Vì vậy, khi mua đồ ăn thức uống cho con, tôi luôn ưu tiên các sản phẩm tốt, có nguồn gốc rõ ràng hoặc mua tại các hệ thống siêu thị uy tín", chị Phương nói.
Vì tuân thủ theo nguyên tắc "ưu tiên những thứ tốt nhất cho con" nên vợ chồng chị Phương phải thay đổi nhiều thói quen chi tiêu, hạn chế mua sắm những vật dụng theo sở thích hay các cuộc tụ tập vui chơi bạn bè.
"Tôi dự định 4 năm nữa mới sinh bé thứ hai. Khả năng khi đó chúng tôi phải có những tính toán chi li hơn. Bé đầu khi đó đã lớn sẽ giảm được một số chi phí về bỉm, sữa. Còn nếu cứ trung bình 10 triệu đồng một bé, nhà mà có 2 trẻ nhỏ thì lương của vợ chồng tôi không gánh nổi", chị Phương nói.
Áp lực "con nhà người ta"
Nhiều phụ huynh có con nhỏ cho rằng, con càng lớn sẽ càng bớt được nhiều chi phí. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thảo (ở quận Hoàng Mai) lại không nghĩ như vậy.
Chị Thảo cho biết, mỗi tháng, chị vẫn cần dành ít nhất 8 triệu đồng cho việc nuôi con. Con trai chị Thảo năm nay 4 tuổi, đang theo học tại một trường tư thục có mức học phí 4 triệu đồng. Khoảng 4 triệu đồng này bao gồm tiền học, tiền ăn, các hoạt động phát sinh như đi dã ngoại, học tiếng Anh.
Như các bà mẹ khác, mỗi tháng chị Thảo cũng chi khoảng 2 triệu đồng mua sữa, 1 triệu đồng mua thuốc bổ, 500 nghìn đến 1 triệu đồng mua quần áo, trung bình khoảng 1 triệu đồng khám chữa bệnh…
"Tôi cho rằng, mức chi phí nuôi con của tôi chỉ thuộc dạng trung bình khá. Con lớn hơn, tôi muốn con học thêm các kỹ năng như đàn, vẽ, học tiếng Anh… Tôi biết nhiều cặp vợ chồng ở Hà Nội còn chi 40-50 triệu đồng/tháng để nuôi một đứa trẻ, riêng tiền học phí trường quốc tế đã 20 triệu đồng/tháng", chị Thảo nhận xét.
Nhiều gia đình trẻ ở Hà Nội thừa nhận họ gặp phải áp lực "con nhà người ta" khi nuôi dạy con cái. Chị Khánh An (32 tuổi, nghề nghiệp nhân viên truyền thông) hiện đang thuê trọ tại quận Thanh Xuân cho biết, vợ chồng chị có thu nhập khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng.
"Chúng tôi đặt mục tiêu mua nhà năm 2022, tuy nhiên vẫn chưa thể thực hiện được vì giá nhà quá cao. Vì chưa có nhà ở Hà Nội, tôi luôn ý thức chi tiêu tiết kiệm nhất có thể, kể cả tiền nuôi con", chị Khánh An nói.
Dù đặt mục tiêu là vậy nhưng mỗi tháng chị An vẫn dành ra hơn 7 triệu đồng cho con trai. Chị An cho biết, con chị không uống sữa công thức mà chỉ uống sữa tươi. Các sản phẩm chị mua cho con cũng là các mặt hàng bình dân, không phải loại cao cấp.
"Thú thực khi thấy những đứa trẻ cùng tuổi được đưa đi chơi, được sử dụng những sản phẩm tốt, ăn uống đồ ngon… tôi cũng mong muốn con mình được như vậy. Thành ra, mỗi tháng, dù tiết kiệm tôi cũng dành tiền mua cho con ít thuốc bổ, cho con đi chơi, mua thêm bộ quần áo đẹp…", chị An nói.
Con chị An đang theo học một trường mẫu giáo tư thục (Ảnh: K. A).
Không có thu nhập cao như nhân viên của các công ty, nhiều người lao động chân tay cho hay, họ cũng chỉ biết "liệu cơm gắp mắm" các khoản nuôi con cho vừa với thu nhập của hai vợ chồng. Song tính toán thế nào, thì mức chi cũng thường chiếm 1/3 thu nhập.
Chị Đào Thị Thu hiện là nhân viên bán hàng siêu thị, chồng là nhân viên giao hàng ở huyện Thanh Trì. Chị Thu có mức lương 6 triệu đồng còn chồng tùy tháng thu nhập sẽ từ 7 đến 8 triệu đồng.
"Học phí con trai 2,5 tuổi đi học trường công là khoảng 1 triệu đồng, tiền mua sữa bỉm là 2 triệu đồng, các chi phí khác như tiền khám bệnh hoặc mua quần áo, đồ ăn bữa tối khoảng 1 triệu đồng.
Con tôi không có nhiều đồ chơi, cũng không có các loại xe thăng bằng, xe đạp ứng với mỗi giai đoạn phát triển như nhiều đứa trẻ khác.
Thi thoảng, tôi đưa con đi chơi công viên cuối tuần, tới các địa điểm vui chơi công cộng thay vì các trung tâm thương mại", chị Thu kể.
Có thể thấy, tùy thuộc vào điều kiện thu nhập, môi trường sống, các gia đình sẽ có mức chi phí nuôi con khác nhau. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về vấn đề này song nhiều cặp vợ chồng thừa nhận, mức chi phí này thường chiếm một phần không nhỏ trong tổng thu nhập của họ và chi phí nuôi trẻ ngày một tăng cao.
Nhiều khoản chi phí phát sinh khiến họ dễ rơi vào khủng hoảng tài chính nếu không có sự phân bổ hợp lý.
Theo các chuyên gia về dân số, những lo lắng về công việc, kinh tế, nhà ở, người trông con, chi phí nuôi nấng khiến nhiều gia đình trẻ ở các thành phố lớn ngại sinh con dù đã lấy nhau nhiều năm. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới mức sinh của Việt Nam hiện nay.
Theo Dân trí