Nhiều tờ báo trong ngày đầu năm mới đã đưa một thông tin rất phấn khởi cho đội ngũ giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là từ ngày 1/1/2023, khi chính quyền thành phố áp dụng hệ số tăng thêm 1,8 để tăng thu nhập cho cán bộ công chức, giáo viên.
Như vậy, với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng và hệ số từ 2,1 đến 6,78, lương giáo viên ở thành phố này sẽ đạt từ 5,6 đến 18,1 triệu đồng/tháng, tăng 2-6 triệu so với khi áp dụng hệ số 1,2 lần trước đó. Mức thấp nhất áp dụng với giáo viên mầm non hạng 3, bậc 1; mức cao nhất với giáo viên phổ thông hạng 1, bậc 8.
Đến ngày 1/7, khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng, lương của giáo viên thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt từ 6,8 - 22 triệu đồng/tháng.
Trong bối cảnh cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc trong năm qua vì thu nhập không đủ sống thì đây quả là một thông tin đáng mừng. Thu nhập tăng lên, cuộc sống đỡ chật vật, hy vọng các thầy cô giáo sẽ yên tâm hơn để ở lại với nghề dạy học.
Tuy nhiên, mức lương 22 triệu đồng/tháng chỉ áp dụng cho giáo viên Trung học hạng 1, khi đạt mức lương kịch khung 6,78 (bậc 8). Muốn trở thành giáo viên Trung học hạng 1 (kiểu như phóng viên hạng 1, chuyên viên cao cấp ở một số ngành khác…) thì họ phải vượt qua các đợt thi nâng ngạch, chuyển ngạch.
Thông tư 04/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng 1: Phải có bằng thạc sĩ và chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông trung học hạng 1.
Theo thông tư này, giáo viên Trung học hạng 1, ngoài những nhiệm vụ như giáo viên hạng 2 (thấp hơn), còn phải thực hiện hàng dài các nhiệm vụ: “Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên; Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp tỉnh trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình; Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia Ban tổ chức hoặc Ban giám khảo, hoặc Ban ra đề trong các hội thi của giáo viên từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh THPT từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi THPT từ cấp tỉnh trở lên”.
Đọc những qui định trên đây, có lẽ, nhiều giáo viên “sẽ choáng” và cân nhắc lại xem có còn giữ ý định bước vào cuộc thi để trở thành giáo viên hạng 1 nữa không.
Đó là chưa kể, một số nhiệm vụ rất kỳ cục mà thông tư này quy định cho giáo viên hạng 1 như: “phải tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước...”; “có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong xây dựng kế hoạch và giáo dục; vận dụng những phương pháp dạy học và giáo dục”; “hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc sử dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh...”.
Giáo viên, khi đã tốt nghiệp các trường sư phạm, thi tuyển vào ngạch công chức giáo dục, đã đứng lớp là đã được trang bị đầy đủ kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Họ không phải là các em sinh viên mới đi thực tập mà cần phải có giáo viên khác tuyên truyền.
Muốn trở thành giáo viên trung học hạng 1 thì trước hết, họ phải là giáo viên hạng 2. Muốn thi để trở thành giáo viên hạng 2 phải có ít nhất 9 năm giữ ngạch giáo viên hạng 3. Vì vậy, nếu cộng ba quãng thời gian (gồm 9 năm hạng 3 và thêm một số năm hạng 2 rồi mới thi lên hạng 1), thì thử hỏi, có bao nhiêu giáo viên còn đủ thời gian công tác để đạt mức lương bậc 8, hệ số 6,78, trong hệ thống thang bảng lương 8 bậc của giáo viên trung học phổ thông hạng 1 (từ 4,4 - 6,78), mà được nhận 22 triệu đồng/tháng như cách tính này.
Với những qui định như thế này, dù chưa có con số cụ thể, nhưng chắc số giáo viên trung học được nâng ngạch thành giáo viên hạng 1 chắc cũng không được là bao. Có chăng, chỉ rơi vào hầu hết số công chức ở các cơ quan quản lý giáo dục, thi chuyển ngạch sang chuyên viên.
Sự nghiệp giáo dục thành hay bại, phần lớn quyết định ở số đông giáo viên- những người trực tiếp đứng lớp, chứ không phải ở một số ít thành phần “ưu tú”.
Cho nên, chính sách sẽ tối ưu, hiết thực, hiệu quả, góp phần tác động đến sự nghiệp giáo dục khi cải cách tiền lương hướng đến số đông của lực lượng 78.000 giáo viên TP. Hồ Chí Minh nói riêng và hơn 1,5 triệu giáo viên nói chung trong cả nước.
Bằng không, những con số đẹp đến 22 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều hơn nữa, được gán cho cái gọi là “lương giáo viên” cũng chỉ là những con số trong mơ với các thầy, cô giáo mà thôi.
Cải thiện đời sống giáo viên, ngoài lương, còn nhiều cách khác. Những người dạy học thực sự yêu nghề mến trẻ, thường ít nói đến tiền bạc. Họ chỉ mong cuộc sống an yên với nghề.
Cho nên, giảm bớt những công việc vô bổ, giúp họ vơi đi những sức ép không cần thiết; có chính sách bảo vệ giáo viên để họ được chuyên tâm dạy học và cảm thấy “vui” với cuộc sống, mặc dù không giàu có gì, cũng là một cách để giúp các thầy cô giáo thêm yêu nghề, yên tâm bám trường, bám lớp.
Vân Thiêng
Để có được nhân tài trị quốc, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu thực hiện chế độ lương thưởng hậu hĩnh cho các quan chức tài giỏi.