Khu vực miền Nam: Phú Quốc sụt giảm lượng khách
Thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (1-4/9), lượng khách tham quan tại các khu điểm du lịch, vui chơi giải trí tại thành phố ước khoảng 960.000 lượt, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước khoảng 37.600 lượt, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Khách lưu trú ước khoảng 162.000 lượt, tăng 24,6 % so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng ước đạt khoảng 80%.
Doanh thu ước đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9 năm nay, lượng khách du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng cao so với cùng kỳ, tổng doanh thu khoảng 298 tỷ đồng.
Theo ông Trịnh Hàng, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 4 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đã đón và phục vụ khoảng 535.106 lượt khách, tăng 36,49% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách lưu trú hơn 111.000 lượt, riêng khách quốc tế là 22.798 lượt, đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 298 tỷ đồng, tăng 29,45% so với năm 2022.
Tỉnh Kiên Giang ghi nhận lượng khách sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 126.690 lượt khách, giảm 32,9% so với cùng kỳ. Riêng Thành phố Phú Quốc đón 62.544 lượt khách, giảm 26,5% so với cùng kỳ. Trong đó, có 5.700 lượt khách quốc tế; khách tham quan các khu, điểm du lịch 43.335 lượt, giảm 24,4% so với cùng kỳ; khách có lưu trú đạt 19.209 lượt khách, giảm 38,6% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo địa phương này, du lịch Phú Quốc nói riêng và Kiên Giang nói chung trong kì nghỉ 2/9 ảnh hưởng bởi bão Saola. Số lượng khách còn kẹt lại các đảo thuộc huyện Kiên Hải khoảng 1.540 khách; tại Phú Quốc số lượng khách đi tàu cao tốc ra Phú Quốc đã chủ động chọn phương án đi bay về Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh nên số lượng còn lại không đáng kể.
Theo báo cáo từ UBND TP. Đà Lạt và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong kì nghỉ lễ, toàn tỉnh Lâm Đồng ước đón 120.000 lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng thành phố Đà Lạt có khoảng 90.000 lượt khách, trong đó có 76.500 lượt khách lưu trú, khách quốc tế đạt 6.300 lượt. Mặc dù lượng khách tăng 25% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chỉ lấp đầy khoảng 50% công suất phòng của toàn thành phố Đà Lạt.
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, trong các ngày nghỉ dịp lễ Quốc khánh 2/9, Cần Thơ đón khoảng 180.000 lượt khách, giảm 4% so với dịp lễ năm 2022.
Tại Cà Mau, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tổng lượt khách tham quan, vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh đạt gần 57.500 lượt người, tăng 8% và tổng doanh thu đạt 74,5 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số 57.500 lượt khách có hơn 44.000 lượt khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Hòn Đá Bạc...
Khu vực miền Trung: Du lịch biển vẫn giữ sức hút
Du lịch biển tại các tỉnh, thành miền Trung vẫn được du khách ưa chuộng.
Đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng, tỉnh Khánh Hòa đón trên 503.000 lượt khách, thu hơn 662 tỷ đồng trong kỳ nghỉ lễ 2/9. Du khách tập trung ở các khu nghỉ dưỡng khép kín ở Bãi Dài và các đảo với công suất trên 90%, ở Nha Trang có công suất phòng hơn 70% (chủ yếu khách sạn 3-5 sao và tương đương).
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh, tổng lượng khách đến thành phố tham quan, du lịch đạt khoảng 254.000 lượt, tăng 6,3% so với năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 78.900 lượt và khách nội địa đạt hơn 175.100 lượt. Đa số là khách đi lẻ, chiếm khoảng 85%. Tổng thu du lịch ước đạt gần 915 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, tất cả các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh đều đón lượng khách lớn. Theo đó, tổng lượt khách du lịch đến Thanh Hoá đạt 328.600 lượt, tăng 26,6%; tổng thu du lịch đạt 663 tỷ đồng, tăng 30% so với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2022.
Đông nhất là khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn với 184.300 lượt khách; khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) đón 35.000 lượt khách; khu du lịch sinh thái biển Hải Hòa và Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn) đón 42.700 lượt khách...
Nghệ An đón và phục vụ 270.000 lượt khách, tăng 35% so với năm 2022, trong đó khách lưu trú đạt 90.000 lượt khách; tổng thu du lịch đạt hơn 500 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm nay lượng khách đến tham quan, đăng ký vào viếng và thắp hương ở khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên tăng mạnh so với các năm. Theo thống kê trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh này có hơn 3.000 đoàn khách trong nước và quốc tế (Lào, Nhật Bản...) đăng ký tham quan ở Khu di tích, với hơn 30.000 lượt khách tham quan, dâng hương.
Bình Định ước đạt 180.575 lượt khách, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu đạt 812 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lượng khách đăng ký tại các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt 95.600 lượt khách, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Bình Thuận dự ước tổng lượng khách du lịch đến tỉnh tham quan, lưu trú trong dịp lễ khoảng 116.000 lượt khách, tăng 26% so với 2022, doanh thu khoảng 290 tỷ đồng. Trong dịp lễ, bình quân công suất phòng đạt từ 70- 90%.
Quảng Bình ước đạt 160.000 lượt, tăng 60% so với năm 2022, trong đó, khách quốc tế khoảng 1.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 176 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong dịp này, Thừa Thiên Huế ước đón 90.000 lượt, tăng 40,6% so với cùng kỳ 2022. Doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 78 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ. Khách lưu trú ước đạt hơn 36.000 lượt (tăng 37,7%), trong đó có hơn 10.000 lượt khách quốc tế (tăng 226,7%).
Khu vực miền Bắc: Khách du lịch tới Hà Nội tăng 51%
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô đạt khoảng 640.000 lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, khách du lịch quốc tế đạt khoảng 41,7 nghìn lượt, tăng 83,9% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa khoảng 598,3 nghìn lượt, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng khách du lịch đến các khu, điểm tham quan du lịch có sự tăng trưởng mạnh như Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Bảo tàng Dân tộc học; Vườn thú Hà Nội; Vườn Quốc gia Ba Vì...
Ở khu vực phía Bắc, Sa Pa (Lào Cai) vẫn duy trì sức hút. Thông tin từ Sở Du lịch Lào Cai, tổng lượng khách du lịch đến địa phương trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 167%) với khoảng 308.164 lượt người. Tổng thu từ du lịch của Lào Cai dịp này đạt khoảng 740 tỷ đồng.
Riêng tại Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, trong 4 ngày nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến với địa bàn đạt gần 100.000 lượt, tăng gần 5.400 lượt người so với cùng kỳ năm 2022. Công suất phòng nghỉ trên địa bàn đạt từ 90 - 95%. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt trên 340 tỷ đồng, tăng hơn 57 tỷ đồng.
Quảng Ninh ước đón 382.000 lượt khách đến các điểm du lịch của tỉnh trong dịp lễ Quốc khánh 2-9. Trong đó, khách quốc tế khoảng 24.500 lượt, đạt 483% so với cùng kỳ 2022. Tổng thu du lịch khoảng 788 tỉ, đạt 131% so với cùng kỳ 2022.
Ninh Bình ghi nhận lượng khách đến tham quan du lịch tăng đáng kể so với kỳ nghỉ năm 2022.
4 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đón 222.705 lượt khách, tăng 47,5% so với kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2022; trong đó có 19.646 lượt khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa đạt 203.059 lượt khách. Doanh thu từ khách du lịch đạt trên 230 tỉ đồng.
Tại Sơn La, khí hậu trong lành mát mẻ, phong cảnh đẹp, hấp dẫn, giao thông đi lại dễ dàng đã thu hút hơn 107.000 lượt khách đến với huyện Mộc Châu trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh; doanh thu ước đạt hơn 123 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo khảo sát, hầu hết các địa phương đều ghi nhận lượng khách và doanh thu sụt giảm đáng kể so với kì nghỉ 30/4 - 1/5 trước đó. Dịp 30/4, Thanh Hóa đứng top hai về doanh thu du lịch với hơn 2.800 tỷ đồng và đón 1,2 triệu lượt khách. Tuy nhiên, lượng khách và doanh thu kì nghỉ 2/9 đều giảm mạnh, lần lượt bằng 26,6% và 24%.
Doanh thu du lịch kì nghỉ này tại TP.HCM chỉ đạt 93% so với kì nghỉ 30/4, trong khi Hà Nội chỉ đạt khoảng 83%.