Báo cáo chuyên đề về kết quả thực hiện cải cách hành chính chính sách tiền lương đối với lao động trong các loại hình DN giai đoạn 2011 - 2020 của Bộ LĐ-TB&XH gửi đến hội thảo cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ mức lương của "sếp" trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Cùng làm sếp DNNN nhưng 2 chế độ lương khác nhau
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, lương của người quản lý DN được xác định gắn với quy mô, mức độ phức tạp của quản lý (hạng DN).
Theo đó, mức lương của sếp tương ứng với mức lương cơ bản (tối đa của Chủ tịch tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng) và hệ số điều chỉnh tăng thêm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhưng mở rộng hệ số tăng thêm tối đa 1,0 lần mức lương cơ bản áp dụng đối với DN có quy mô lớn, hiệu quả cao. Tương ứng với quy định này, mức lương của Chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt 72 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, DN làm ăn hiệu quả, lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì được thưởng thêm, cứ tăng 1% lợi nhuận so với kế hoạch thì được bổ sung thêm 1% tiền lương nhưng tối đa không quá 20% tiền lương kế hoạch. Với cách tính này thì Chủ tịch tập đoàn kinh tế Nhà nước có thể đạt 86,4 triệu đồng/tháng.
Đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước thì lương của người quản lý công ty gắn với bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, với cổ đông, với người lao động. Trong đó, người quản lý công ty là người đại diện phần vốn Nhà nước thì quy định mức tiền lương tối đa gắn với quy mô lợi nhuận dưới 50 tỷ đồng thì lương cơ bản không quá 36 triệu đồng/tháng; với quy mô lợi nhuận từ 1.500 tỷ đồng trở lên thì không quá 3,5 mức lương cơ bản (tương đương 126 triệu đồng/tháng).
Đối với người quản lý không phải là người đại diện vốn Nhà nước thì tiền lương do HĐQT quyết định trên cơ sở vị trí công việc, bảo đảm cân đối với chức danh tương tự trên thị trường và tiền lương của người đại diện vốn Nhà nước tại công ty.
Đồng thời, để khuyến khích người quản lý, Chính phủ quy định nguyên tắc xác định tiền lương tăng thêm gắn với mức độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Cụ thể, nếu lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận kế hoạch thì cứ vượt 1% lợi nhuận, người quản lý công ty được tính thêm 2% nhưng tối đa không quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch.
Như vậy, lương của người quản lý công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước có thể đạt 151,2 triệu đồng/tháng.
Còn chế độ tiền thưởng căn cứ lợi nhuận hằng năm sau khi hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước, cổ đông, người lao động. Cụ thể quỹ khen thưởng, phúc lợi của người lao động tối đa không quá 3 tháng tiền lương. Nếu lợi nhuận vượt kế hoạch thì được trích thêm tối đa 20% phần lợi nhuận vượt nhưng không quá 3 tháng lương. Đối với người quản lý, quỹ tiền thưởng không quá 1,5 tháng tiền lương.
Vẫn còn thấp so với thị trường
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương, thưởng của viên chức quản lý trong DNNN mặc dù đã được điều chỉnh một bước nhưng nhìn chung vẫn còn thấp (chỉ bằng khoảng 50%) so với các chức danh quản lý tương đương trên thị trường. Thực tế một số DN tư nhân trả lương hàng tháng cho người quản lý 130 - 150 triệu đồng; ngân hàng thương mại trả 150 - 200 triệu, có trường hợp trả 250 300 triệu. Ngoài ra, họ còn được thưởng theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh bằng 30 - 50% tiền lương.
Việc này chưa tạo được động lực cho những người quản lý giỏi, DN có hiệu quả cao theo chủ trương “Nhà nước có cơ chế khuyến khích thỏa đáng về vật chất, tinh thần đối với cán bộ quản lý DN căn cứ vào mức độ đóng góp vào kết quả hoạt động của DN”.
Từ đó dẫn đến khó thực hiện được chủ trương thuê TGĐ, giám đốc. Ngược lại, một số trường hợp DN hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ nhưng đưa ra nhiều lý do khách quan, viên chức quản lý vẫn hưởng lương cao vài chục triệu/tháng gây bức xúc dư luận.
Ngoài ra, chính sách tiền lương phân biệt giữa DN 100% vốn nhà nước DN có vốn chi phối của Nhà nước dẫn đến lương của người quản lý chênh lệch 50 – 60%. Cụ thể, viên thức quản lý 27 công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty Nhà nước 100% vốn nhà nước, tiền lương bình quân năm 2015 đạt 43,06 triệu đồng, năm 2016 đạt 53,15 triệu đồng, 2017 đạt 53,22 triệu đồng. Trong khi 9 công ty mẹ – tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có vốn góp chi phối thì tiền lương bình quân năm 2015 đạt 88,42 triệu đồng/tháng, năm 2016 đạt 124 triệu đồng, năm 2017 đạt 122,56 triệu đồng.
Ngoài ra, theo số liệu tổng hợp điều tra năm 2019 cho thấy, DNNN trả lương cho lao động có trình độ chuyên môn thấp, lao động giản đơn cao hơn so với DN FDI khoảng 10%, cao hơn DN tư nhân 20% nhưng trả lương cho lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao chỉ bằng 50 – 60% so với DN FDI.
Thu Hằng
Tuổi nghỉ hưu và cách tính lương hưu từ năm 2021
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 135/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu, trong đó quy định rõ tuổi nghỉ hưu đối với nam, nữ và một số trường hợp cụ thể.