Tỷ lệ cạnh tranh sụt giảm
Ở Hàn Quốc, giáo viên từng được nhiều người coi là một nghề "danh giá" và "đáng giá".
"Danh giá" bởi với truyền thống văn hóa Á Đông thì "tôn sư trọng đạo" mãi là dòng chảy xuyên suốt.
"Đáng giá" bởi giáo viên có nguồn thu nhập ổn định (thậm chí là cao) được đảm bảo cho đến khi nghỉ hưu và có số ngày nghỉ phép "hào phóng" hơn nhiều so với nhân viên văn phòng hay công chức bình thường.
Theo số liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tính đến năm 2021, mức lương trung bình hàng năm của giáo viên tiểu học là khoảng 45 triệu won (khoảng 827 triệu VNĐ), đối với giáo viên cấp 2 là khoảng 50 triệu won (khoảng 919 triệu VNĐ), và đối với giáo viên trung học là khoảng 57 triệu won Hàn Quốc (khoảng 1 tỷ VNĐ). Đây là mức lương trung bình của giáo viên trường công lập. Theo báo cáo của Korea Economic Daily (2021), mức lương trung bình hàng năm của giáo viên trường tư thục ở Hàn Quốc vào khoảng 47 triệu won (khoảng 863 triệu VNĐ), cao hơn so với mức lương trung bình của giáo viên trường công lập. |
Tuy vậy, bất chấp những lợi ích này, giáo viên đang trở thành một nghề ít được mong đợi hơn trong mắt các sinh viên Hàn Quốc, theo The Korea Times.
Tỷ lệ cạnh tranh vào một trường đại học sư phạm ở nước này đã giảm trong vài năm qua và chạm đáy trong năm 2023.
Cụ thể, số liệu của tổ chức giáo dục Jongro Academy (Hàn Quốc) cho thấy tỷ lệ cạnh tranh trung bình của 13 trường đại học sư phạm và khoa giáo dục tiểu học do nhà nước điều hành là 2:1, đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua. Đây là tỷ lệ cạnh tranh so sánh số lượng ứng viên với tổng số vị trí cần tuyển.
Tỷ lệ cạnh tranh của 6 trường đại học giáo dục công lập gồm các trường có trụ sở tại vùng thủ đô Seoul (bao gồm Gyeonggi-do, Seoul và Incheon), Daegu, Busan, Jinju và Gongju thấp hơn 2:1, với tỷ lệ thấp nhất là 1.4:1.
"Bỏ dở" giữa chừng
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều sinh viên các chuyên ngành giáo dục đang "bỏ dở" giữa chừng để tìm kiếm con đường khác.
Dữ liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy vào năm 2021, có tổng cộng 232 sinh viên đang theo học tại các trường sư phạm do nhà nước quản lý đã bỏ học, chiếm 6% tổng số sinh viên theo học các khóa học giáo dục.
Tại các trường đại học sư phạm ở Gongju và Seoul, cứ 10 sinh viên năm nhất thì có 1 em bỏ học.
2 nguyên nhân đằng sau
Có nhiều lý do tại sao giảng dạy đang trở thành một nghề ít hấp dẫn hơn ở quốc gia Đông Bắc Á này.
Thứ nhất, tỷ lệ sinh ngày càng giảm dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng sinh viên trong vòng vài năm, trong đó có cả sinh viên sư phạm.
Năm 2022, tỷ suất sinh của Hàn Quốc là 0.79 (tức là trung bình mỗi cặp vợ chồng không sinh đủ 1 đứa con), đánh dấu năm thứ tư liên tiếp dưới mức 1.
Trên thực tế, số lượng sinh viên đang giảm dần. Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục nước này, số học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc là 5.27 triệu vào năm 2022, giảm so với 5.72 triệu vào năm 2017.
Một số trường học - ngay cả ở các khu vực đô thị đông dân cư của Seoul - đang đóng cửa do thiếu học sinh.
Thứ hai, một yếu tố khác là điều kiện làm việc khắc nghiệt hơn. Ngày càng nhiều giáo viên bị học sinh lạm dụng thể chất hay tấn công ngôn từ.
Kể từ luật giáo dục Hàn Quốc sửa đổi năm 2011 nghiêm cấm giáo viên "trừng phạt thân thể" học sinh, giáo viên ngày càng phàn nàn về các trường hợp học sinh lăng mạ và lạm dụng họ.
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc khảo sát 8.431 giáo viên, 55.8% cho biết họ gặp khó khăn khi xử lý những học sinh có hành vi sai trái gây rối trong lớp học.
Bảo Huy