Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung các Nghị định 20 và 87 về thí điểm quản lý lao động, tiền lương với một số doanh nghiệp nhà nước sắp được trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho Vietnam Airlines được bổ sung nguồn lương hàng năm để trả cho phi công Việt Nam, đảm bảo bằng 70-90% lương phi công nước ngoài cùng hãng.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau khi triển khai Nghị định số 87, nhất là thời gian gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hãng hàng không quốc gia cơ bản trở lại bình thường do dịch Covid-19 được kiểm soát, tiền lương của người lao động đã được nâng lên gần với mức lương thời điểm trước dịch.
Riêng đối với phi công Việt Nam, trước khi thực hiện thí điểm tiền lương theo Nghị định số 20 thì đã rất bất cập, vì thấp hơn nhiều so với phi công nước ngoài cùng làm việc cho Vietnam Airlines.
Khi thực hiện thí điểm tiền lương theo Nghị định 20, Chính phủ cho phép bổ sung phần chênh lệch giữa tiền lương của phi công Việt Nam và phi công nước ngoài để tính đơn giá tiền lương với điều kiện lợi nhuận kế hoạch năm 2020 không thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân giai đoạn 2018-2019.
Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Vietnam Airlines chưa được tính bù chênh lệch tiền lương của phi công Việt Nam so với phi công nước ngoài vào đơn giá khoán do hãng không đảm bảo về điều kiện lợi nhuận.
Đến nay, tình trạng này càng trở nên bất cập hơn. Do vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho Vietnam Airlines được bổ sung nguồn lương hàng năm để trả cho phi công Việt Nam, đảm bảo bằng 70-90% lương phi công nước ngoài cùng hãng.
Trong báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2022 Vietnam Airlines có 6.028 lao động, tổng quỹ lương theo đơn giá gần 1.689 tỷ đồng. Mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, tiếp viên và lao động chuyên môn còn lại là 19,5 triệu đồng/tháng.
Mặc dù số lượng phi công Việt Nam (829 người) chỉ chiếm 18,8% số lao động do hãng trả lương, nhưng chiếm 50% tổng quỹ tiền lương theo đơn giá.
Mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam (85 triệu đồng/tháng) thì chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài (khoảng 145 triệu/tháng) cùng làm việc tại Vietnam Airlines.
Giai đoạn 2023-2025, đội ngũ phi công nội địa của hãng dự kiến tăng lần lượt 865-959 và 1.044 người với lương tháng tương ứng 115,6; 128 và 134,8 triệu đồng/tháng.
Lương phi công nước ngoài làm việc cho hãng lần lượt là 268,4; 273,7 và 279,2 triệu đồng/tháng. Như vậy tiền lương bình quân của phi công người Việt chỉ bằng 43-48% lương phi công nước ngoài.
Trước thực trạng về tiền lương trên và trong điều kiện các hãng hàng không cạnh tranh gay gắt, thu hút lao động phi công, nhất là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường hàng không phục hồi, nhiều phi công Việt Nam đã chuyển sang các hãng khác.
Tính từ năm 2020 đến nay đã có 35 phi công Việt Nam bỏ việc, một số phi công đang dự kiến thôi việc sau khi kết thúc hợp đồng. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến các hoạt động bay của Vietnam Airlines.
Để bù đắp số lượng phi công Việt Nam thiếu hụt, Vietnam Airlines có thể phải thuê thêm phi công nước ngoài, nhưng việc sử dụng bị động và phải trả chi phí rất cao.
Riêng với phi công nước ngoài chi phí thuê khoảng 2,5 tỷ đồng/người/năm, bao gồm tiền lương, thuê nhà, bảo hiểm, phí quản lý.
Vấn đề đặt ra là, nếu mỗi năm Vietnam Airlines có 120 -140 phi công nội địa nghỉ việc thì chi phí để thuê phi công nước ngoài thay thế là 300-600 tỷ đồng. Thuê mướn không dễ trong khi tiềm ẩn nguy cơ đình trệ bay do không đủ nhân lực phi công.
Từ thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, bổ sung nguồn lương cho Vietnam Airlines để giữ chân nhân lực chất lượng cao, ổn định bay là cần thiết.
Theo tính toán, nguồn bổ sung dự kiến hàng năm 300 tỷ đồng để lương phi công nội địa bằng 70% phi công nước ngoài và 800 tỷ đồng nếu muốn đạt mức 90%. Nguồn bổ sung này phải căn cứ vào khả năng đáp ứng tài chính của hãng, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch được giao, không làm phát sinh thêm lỗ so với năm trước.