Xuống mức 67 triệu đồng/ lượng
Tuần qua, thị trường vàng trong nước tiếp tục ảm đạm và giảm giá. Giao dịch quanh ngưỡng 68 triệu đồng/lượng, đây là mức giá thấp trong vòng mấy tháng nay.
Chị Đỗ Thị Hải (Ba Đình, Hà Nội) đau lòng vì giá vàng giảm. Chị Hải cho hay, chị mới mua 3 cây vàng cách đây 2 tháng giá trên 69 triệu đồng/lượng. Do có việc cần, chị phải bán gấp với giá 67,9 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ đầu tư một thời gian ngắn, chị đã lỗ 3,3 triệu đồng.
“Mình định mua vàng để dành nhưng có việc gấp phải bán đi nên mới lỗ. Biết thế mình gửi tiết kiệm vẫn có lời mà tất toán lúc nào cũng được”, chị Hải cho hay.
Coi vàng là kênh đầu tư an toàn, liên tục mua thêm để tích sản, bà Đỗ Quỳnh Nga (Hà Nội) cảm thấy lo lắng khi nhìn bảng giá vàng liên tục giảm. Bà Nga cho hay, đều đặn hàng quý, bà mua 2-3 chỉ vàng như một kênh đầu tư, tiết kiệm. Tổng số vàng của bà đã lên tới hàng chục lượng. Tuy nhiên, giá vàng giảm khiến bà không vui. “Cứ mua được tháng trước thì tháng sau lại giảm, lỗ vài trăm nghìn đồng. Nhìn mà tiếc”, bà Nga nói.
Mặc dù giá vàng giảm, nhưng tính từ đầu năm tới nay, bà Nga mua vàng vẫn có lời. Theo bà Nga, do không có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán hay tiền ảo nên bà chọn vàng để mua cho an toàn. Bà dự định sẽ mua thêm vàng ở thời điểm giảm, chờ cơ hội tăng sau Tết.
Kết thúc phiên 8/7, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 68 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,6 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 68 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,62 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trong khi đó, giá vàng tại Doji đã xuống mức 67,9 triệu đồng/lượng (mua vào). Ngày, 8/7, Doji Hà Nội niêm yết ở mức 67,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 67,9 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 68,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, một tuần qua, giá vàng SJC đã giảm 200 nghìn đồng/lượng. Còn tại Doji, giá vàng đã giảm 250 nghìn đồng/lượng.
Các chuyên gia khuyến nghị, nếu bỏ vốn vào vàng, nhà đầu tư nên xác định đầu tư dài hạn, chỉ đầu tư một tỷ lệ nhất định, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mình. Đồng thời, phải cập nhật thường xuyên giá vàng để chốt lời vào thời điểm thích hợp. Do đó, lướt sóng vàng ngắn hạn cần cẩn trọng. Song về dài hạn, đầu tư vàng vẫn sẽ an toàn và có lãi.
So với mức đỉnh 74 triệu lượng vào tháng 3/2022, giá vàng trong nước đã giảm 6 triệu đồng. Còn tính từ đầu năm tới nay, người mua vàng đã lãi 6,5 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới giảm mạnh
Giá vàng trên thị trường quốc tế trượt dốc do đồng USD tăng vọt lên đỉnh 20 năm. Giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 1,1 USD lên mức 1.739,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2022 trên sàn Comex New York tăng 3,2 USD lên 1.739,7 USD/ounce.
Vàng chịu áp lực từ một đồng USD mạnh lên trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn có thể tăng tiếp lãi suất với mức 75 điểm phần trăm trong kỳ họp tháng 7 này. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu đang lao đao với lạm phát. Vàng sẽ tiếp tục bị bán ra mạnh khi Fed kiên định với lập trường “diều hâu” về chính sách tiền tệ.
Vàng còn ảm đạm do thị trường Mỹ đang kỳ nghỉ lễ. Mặt hàng kim loại quý này chịu áp lực trước khả năng Fed có thể tăng lãi suất 75 điểm phần trăm trong kỳ họp tháng 7 này.
Tuy nhiên, vàng được hỗ trợ bởi sức cầu bắt đáy khi xuống mức thấp nhất từ tháng 10 năm ngoái. Việc các tổ chức lớn, trong đó có ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng, cũng là yếu tố giúp mặt hàng này khó giảm sâu.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), ngân hàng trung ương các nước trên thế giới mua 35 tấn vàng đưa vào kho dự trữ ngoại hối trong tháng 5 vừa qua, sau khi đã mua 19,4 tấn trong tháng 4.