Có thể thấy, ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non bị phát hiện khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng về việc chọn lựa cơ sở mầm non cho con cũng như cách phát hiện con bị bạo hành để lập tức có những hành động cứu con khỏi tay “ác mẫu”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Như Ý - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín (Hà Nội) đưa ra lưu ý rằng: “Các bậc phụ huynh khi tìm địa điểm gửi trẻ mầm non phải tìm những cơ sở uy tín, được cấp phép hoạt động rõ ràng. Tuyệt đối không gửi con vào những cơ sở tự phát, không có giấy phép hoạt động”.
Nếu là trường công lập thì phụ huynh không cần phải lo lắng về việc giấy phép hoạt động của cơ sở, còn trường tư nhất định phải lưu ý biển hiệu của trường phải được ghi thêm chữ Phòng Giáo dục...Ngoài ra, biển hiệu trường phải to đẹp, rõ ràng bởi những cơ sở tư nhân không được cấp phép thường không dám làm biển hiệu to đẹp vì tâm lý lo sợ cơ quan chức năng sẽ đến xử lý.
Còn theo cô Lê Thị Loan - nguyên Phó khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thì: “Khi gửi con đến trường mầm non, cha mẹ đừng dễ tin vào cơ sở không giấy phép.
Cơ sở không phép là những cơ sở không đủ điều kiện tổ chức những hoạt động tối thiểu cho trẻ.
Cha mẹ đừng nghĩ đơn giản cho con đến lớp là chỉ cần người trông con là được và không cần biết con mình có an toàn không, người trông có được đào tạo bài bản không. Và chắc chắn là đừng bao giờ giao con cho cơ sở trông trẻ không đảm bảo” - cô Loan nói.
Phân tích thêm, cô Loan cho rằng, con mình là cả cuộc đời phía trước nên các bậc phụ huynh phải chọn cơ sở đủ điều kiện thành lập và chắc chắn là những người trông con phải được đào tạo bài bản chứ không thể trông và dạy con theo kiểu bản năng và kinh nghiệm.
Chính những người không được đào tạo bài bản sẽ làm nên những hành động bộc phát và nhẫn tâm còn những người được đào tạo bài bản họ biết điều gì được phép làm và điều gì không được phép.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này thì ngoài việc gửi con đến lớp, bố mẹ cũng phải trang bị kiến thức nhận biết tâm lý của trẻ.
“Để có những kiến thức nhận biết tâm lý của trẻ bản thân bố mẹ phải học chứ không phải cứ đẻ con ra là đã thành bố mẹ.
Thông thường trẻ có vết thương tâm lý thường lâm vào hoảng loạn, lo sợ và sức khỏe có vấn đề vì những đứa trẻ bị bạo hành chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý.
Ví dụ con khóc, không muốn đến lớp là dấu hiệu dễ dàng nhận biết nhưng cũng có những trẻ tè dầm thiếu kiểm soát sau những tổn thương tâm lý thì bố mẹ cũng nên để ý và đừng bao giờ có tâm lý “trăm sự nhờ cô giáo””- cô Loan cho hay.
Đúng là, có con ở độ tuổi mầm non và không ít phụ huynh cho biết họ khá lúng túng trong việc hành xử nếu chẳng may con mình bị giáo viên bạo hành. Chính vì thế, việc quan sát, phát hiện những dấu hiệu lạ của con rất quan trọng trong việc phát hiện con có bị giáo viên bạo hành hay không.
Chiều 3/3, UBND TP Hà Nội có chỉ đạo nhanh chóng làm rõ vụ bé trai 17 tháng tuổi (ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) tử vong bất thường sau khi ở lớp mầm non. Tại cơ quan công an, ban đầu, 2 đối tượng khai báo quanh co, thay đổi lời khai hòng che dấu hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trước những bằng chứng, cơ quan công an đã khiến 2 đối tượng phải thừa nhận tội ác của mình. Theo đó, sáng 23/2, cháu Đ. được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Đến khoảng 9h, 2 đối tượng đưa các cháu vào buồng ngủ thì cháu Đ. khóc, chạy ra ngoài. Bực tức, Lành dùng 2 tay bế cháu Đ. lên rồi ném xuống làm đầu cháu bé đập xuống nền nhà. Lành sau đó còn dùng tay tát nạn nhân. Trong khi đó, An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm vào đầu cháu bé. Buổi chiều cùng ngày, Lành và An nói với người thân cháu Đ. việc cháu tự ngã. Đến sáng 26/2, trong khi trông coi, thấy cháu Đ. khóc, An đã có hành vi dùng chân đạp vào bụng cháu bé khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, An và Lành gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu. Mặc dù được khẩn trương cấp cứu nhưng sau đó, cháu Đ. đã tử vong. |