Theo 19Fortyfive, các cuộc giao tranh trên bầu trời ở Ukraine đang chứng kiến sự xuất hiện liên tục của tiêm kích MiG-29 ở cả 2 phía. Dù không thể là đối thủ của các tiêm kích tàng hình hiện đại, hay cũng không phải là máy bay chiến đấu tốt nhất trong thế hệ của mình, nhưng Không quân Ukraine vẫn đang vận động các đồng minh cung cấp thêm cho Kiev nhiều tiêm kích MiG-29 hơn nữa.
Lịch sử phát triển và đặc điểm của MiG-29
Được phát triển vào thập niên 1970 bởi Phòng thiết kế Mikoyan, MiG-29 có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 1977, trước khi được đưa vào biên chế chính thức năm 1982. Mục đích sản xuất của MiG-29 được cho là để làm đối trọng với tiêm kích F-16 Falcon của Mỹ.
Là tiêm kích thế hệ thứ 4, MiG-29 có tương đối nhiều khuyết điểm nếu so với các máy bay chiến đấu ở thời điểm hiện tại. Vấn đề đầu tiên là khả năng chứa nhiên liệu hạn chế và không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không. Bên cạnh đó, tầm bay tối đa của MiG-29 cũng không đạt tiêu chuẩn để thực hiện nhiệm vụ tấn công các tài sản trên không giá trị cao (HVAA). Ngoài ra, hệ thống radar của tiêm kích này không thực sự ổn định trong việc phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu, dẫn tới nguy cơ bắn nhầm các máy bay đồng minh.
Tuy vậy, MiG-29 với thiết kế thân vỏ đặc thù lại có độ cơ động đáng ngạc nhiên, nhờ vào sự kết hợp khả năng khí động học tiên tiến với một hệ thống điều khiển cơ học truyền thống. Với tốc độ quay tức thời 28°/giây, MiG-29 có thể di chuyển linh hoạt theo phương đứng và phương ngang, hay thực hiện thao tác “quay đuôi” một cách dễ dàng.
Một ưu điểm khác khiến cho MiG-29 được ưa chuộng là chi phí hoạt động và bảo dưỡng khá rẻ so với các đối thủ như F-16. Bên cạnh đó, tiêm kích này "tương đối dễ tính" khi có thể xuất phát ngay cả từ các đường băng "xấu" nhờ các bộ hút khí có tác dụng ngăn các vật lạ bên ngoài văng vào động cơ.
Những nâng cấp giúp MiG-29 giữ vững vị thế
Điều giúp một máy bay chiến đấu có nhiều vấn đề như MiG-29 vẫn được sử dụng phổ biến trong suốt 4 thập kỷ tới từ những lần nâng cấp vô cùng đắt giá tới từ không quân Nga. Phiên bản hiện tại đang được sử dụng trong biên chế Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga ngày nay là MiG-29SMT, đã khắc phục hầu hết những điểm yếu của người tiền nhiệm.
MiG-29SMT có chiều dài 17,3m, sải cánh 11,9m, vận tốc tối đa Mach 2, trần bay 17.500m. So với phiên bản gốc, tải trọng vũ khí đã tăng từ 3,5 tấn lên 4,5 tấn với 7 giá treo vũ khí. Nhằm cải thiện điểm yếu cố hữu về hệ thống cảnh báo, radar Zhuk ME đã được đưa lên các tiêm kích thế hệ mới, cho phép MiG-29SMT phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 120km, khóa đồng thời 10 mục tiêu và lựa chọn tiêu diệt cùng lúc 4 mục tiêu trong số đó.
Đặc biệt, việc nâng cấp hệ thống điện tử cho phép MiG-29SMT mang theo tên lửa đối không tầm trung - xa dẫn đường bằng radar chủ động R-77, tên lửa không đối đất Kh-29T/TE, tên lửa chống tàu siêu thanh Kh-31A, tên lửa chống radar Kh-31P và các loại bom thông minh.
Dĩ nhiên, những phiên bản hiện đại hóa của MiG-29 vẫn không thể vượt qua được các chiến đấu cơ như Su-35, nhưng việc tiêm kích này được cho về hưu vẫn khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Với việc Ukraine liên tiếp vận động các đồng minh chuyển giao cho Kiev những chiếc MiG-29 đang nằm trong kho để thu hẹp khoảng cách về vũ khí với Moscow, độ phổ biến của tiêm kích này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Việt Dũng