Sân bay Tân Sơn Nhất tấp nập hành khách đi lại, có thời điểm đón hơn 100.000 lượt hành khách. Lượng khách tăng cao đã khiến dịch vụ taxi, xe công nghệ đưa khách rời ga quá tải. Nạn chèo kéo, chặt chém giá cước... làm hình ảnh sân bay Tân Sơn Nhất bị xấu đi.
Lãnh đạo Bộ GTVT cùng chính quyền TP.HCM sau đó đã nhiều lần làm việc với đơn vị quản lý điều hành sân bay để tìm hướng xử lý. Trong đó, việc đưa thêm các tuyến xe buýt kết nối với sân bay được xem là giải pháp cần thiết.
Hiện nay xe buýt sân bay có 3 tuyến gồm tuyến số 152 (khu dân cư Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất); tuyến 721 (sân bay Tân Sơn Nhất - bến xe Vũng Tàu) và tuyến 109 (Bến xe buýt Sài Gòn- sân bay Tân Sơn Nhất). Ngành giao thông TP phối hợp với đơn vị quản lý sân bay tăng tần suất xe buýt và kéo dài thời gian hoạt động từ 5h30-23h45 mỗi ngày.
Thực tế, xe buýt sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa thu hút hành khách đi lại dù phương tiện đều được đầu tư mới, có chất lượng tốt, giá vé rất rẻ so với loại hình taxi, xe công nghệ.
Thường xuyên đi công tác qua sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thảo Trang (28 tuổi, ngụ quận quận 4) cho biết suốt nhiều năm qua, mỗi lần đi lại ở sân bay chị đều ngán ngẩm với cảnh phải mòn mỏi đợi xe taxi hoặc chấp nhận đi xe ngoài với giá cao để về nhà.
Khi nghe tin TP.HCM mở thêm các tuyến xe buýt kết nối sân bay khiến Trang phấn khởi vì sắp tới có thêm sự lựa chọn để đi lại tiện lợi, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi trải nghiệm xong thì Trang cảm thấy hụt hẫng vì còn nhiều bất tiện.
"Nhu cầu đi lại của hành khách rất đa dạng nhưng hiện nay chỉ có 3 tuyến xe buýt. Nếu hành khách từ máy bay đi theo 3 tuyến này thì bắt buộc phải sử dụng thêm từ 1 đến 3 tuyến nhánh nữa để về đến nhà. Chưa kể khi đến sân bay vào thời điểm ban đêm thì các tuyến xe buýt khác ở TP tạm ngưng hoạt động nữa nên rất bất tiện", Trang chia sẻ.
Hoàng Nam (ngụ TP Thủ Đức) cho hay, hôm thứ ba vừa qua, anh có thử tuyến xe buýt 109 từ sân bay Tân Sơn Nhất về bến xe buýt Sài Gòn. Anh thấy giá vé chỉ từ 8 - 15 nghìn đồng/lượt. Nếu so về mặt kinh tế thì đi xe buýt tuyến 109 giúp tiếp kiệm rất lớn.
“Hôm tôi đi tuyến xe buýt 109 phải kéo va ly gần 400m đến cuối làn B mới đến trạm xe buýt. Khi đến nơi tôi và mọi người đều phải đứng chờ xe do không có ghế ngồi. Một số hành khách lớn tuổi vì quá mệt đã ngồi bệt luôn dưới nền hoặc trên hành lý”, Nam chia sẻ.
Anh cho rằng vị trí đón xe buýt quá xa, người già xách hành lý quá vất vả. Nam hành khách mong muốn các đơn vị quản lý có thể tính toán làm làn đường riêng dành cho xe buýt hoặc có thể bố trí cho xe buýt vào sát sảnh ga đến quốc nội (làn A) để khách thuận tiện sử dụng dịch vụ.
Cần ít nhất 20 tuyến buýt phải vào sân bay
Một chuyên gia nghiên cứu giao thông tại TP.HCM nhìn nhận, sân bay Tân Sơn Nhất là một sân bay lớn nhất nhì nước nhưng chỉ có 3 tuyến buýt hoạt động là quá ít. 3 tuyến buýt hiện hữu này chỉ giải quyết tạm thời vấn đề ở sân bay, chứ chưa thể giải quyết dứt điểm vấn nạn ùn tắc, "bát nháo" được.
Cũng theo vị này, ít nhất phải có 20 tuyến xe buýt được tổ chức tại sân bay Tân Sơn Nhất với đầy đủ tuyến kết nối về các quận, huyện, TP Thủ Đức. Như vậy, xe buýt phủ khắp nơi TP mới đóng vai trò trung chuyển, giải tỏa khách nhanh chóng được.
Ngoài ra, để tránh kẹt xe, gây ảnh hưởng đến giờ bay của hành khách thì TP cũng cần nghiên cứu tổ chức các tuyến dành riêng - ưu tiên cho xe buýt sân bay. Có như vậy, hành khách mới ưu tiên lựa chọn xe buýt, xe công cộng đi vào sân bay, từ đó góp phần giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Về những bất cập của xe buýt tại sân bay, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đang phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các đơn vị liên quan cố gắng phát triển hơn nữa hệ thống buýt sân bay.
Hiện, Thanh tra giao thông đang phối hợp với lực lượng an ninh sân bay theo dõi, điều tiết ô tô không để ảnh hưởng tới việc đón khách của xe buýt. Phía Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cũng thường xuyên ghi nhận thuận lợi và khó khăn của ba tuyến xe buýt ở sân bay và sẽ có đề xuất điều chỉnh kịp thời, hợp lý, thuận lợi cho hành khách.
Sở GTVT cho biết hiện cũng đang triển khai đưa lộ trình của tuyến 103 (bến xe buýt Chợ Lớn - bến xe Ngã Tư Ga) đang hoạt động đi vòng vào sân bay để phục vụ hành khách.
Ông Đào Viết Ánh (Tổng Giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang) đơn vị vận hành khai thác tuyến xe buýt 109 (Bến xe buýt Sài Gòn- sân bay Tân Sơn Nhất) cho biết những ngày đầu hoạt động, tuyến 109 nhận được sự ủng hộ, góp ý tích cực từ người dân. Tuy nhiên, xe buýt chỉ có 3 phút dừng nên không đủ thời gian để đón khách lên xe. Trong khi đó, làn B rất đông ô tô nên khách khó tiếp cận xe buýt. Do vậy, cần có làn đường riêng cho xe buýt tại sân bay hoặc tăng thời gian dừng chờ đón khách cho xe buýt. Phía doanh nghiệp kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện để đơn vị được đầu tư một khu vực tiếp nhận, có ghế chờ cho khách ngồi nhằm tạo hình ảnh đẹp cho giao thông ở sân bay. |