Hơn một năm kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, Nhà Trắng vẫn nhất quyết từ chối gửi các vũ khí tầm xa như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Ukraine. Nguyên nhân là Mỹ lo ngại Ukraine có thể sử dụng các tên lửa này để tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Theo tờ Eurasian Times, quan điểm của Mỹ đã thay đổi và một phần tác động từ việc Anh và Pháp gần đây đã cung cấp các tên lửa tầm xa cho Kiev. Việc Ukraine sử dụng tên lửa của Anh và Pháp trong cuộc xung đột với Nga được cho không gây ra phản ứng đáng kể nào từ phía Moscow. Điều này khiến Mỹ đánh giá lại tình hình, và từ đó bí mật chuyển ATACMS cho Ukraine.
Tuyên bố hôm 17/10 của Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc Ukraine lần đầu tiên sử dụng ATACMS để tấn công 2 căn cứ Nga đã đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Bởi trước đây, nhà lãnh đạo Mỹ từng do dự chuyển ATACMS cho Kiev vì lo ngại xung đột Nga - Ukraine leo thang.
Tờ New York Times dẫn lời 2 quan chức phương Tây cho hay, Mỹ đã cung cấp khoảng 20 ATACMS cho Ukraine. Các ATACMS này có tầm bắn 165km. Trong khi đó, các biến thể mới hơn của ATACMS có tầm bắn tối đa khoảng 300km.
Phiên bản ATACMS được Mỹ gửi tới Ukraine là MGM-140A có khả năng giải phóng 950 quả đạn con và gây sát thương trên một khu vực rộng lớn. Tên lửa này được sản xuất vào tháng 11/1996.
Dù phiên bản trên có tầm bắn hạn chế, nhưng quan chức Mỹ nhấn mạnh tầm bắn này đủ để nhắm tới hầu hết các căn cứ quan trọng mà Nga cần để hỗ trợ trên không và cung cấp cho lực lượng của Nga ở Ukraine.
Ngoài ra, theo Eurasian Times, quyết định gửi ATACMS cho Ukraine còn xuất phát từ lý do loại vũ khí này được cho khó có thể sử dụng trong cuộc xung đột liên quan đến quân đội Mỹ. Do đó, Mỹ đã chấp thuận chuyển ATACMS cho Ukraine.
Tuy nhiên, mức độ tác động của ATACMS tới cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện còn khá mơ hồ. Bởi nhiều vũ khí hiện đại mà phương Tây cung cấp cho Kiev như xe tăng cũng chưa thể tạo ra sự đột phá lớn trên tiền tuyến ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích và cho rằng quyết định của Washington cung cấp ATACMS cho Kiev sẽ "chỉ kéo dài thêm nỗi đau" cho Ukraine. Cũng theo ông Putin, "Một sai lầm ở quy mô lớn hơn, đó là Mỹ ngày càng bị lún sâu vào xung đột”.
Trong khi đó, theo tờ Kyiv Post, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba tiết lộ trong thời gian tới, Kiev sẽ sớm nhận được các tên lửa ATACMS của Mỹ có tầm bắn 300km, gần gấp đôi so với phiên bản mà nước này đang có. Ukraine vẫn tiếp tục kêu gọi các đồng minh hỗ trợ thêm nhiều vũ khí tầm xa hơn và hiện đại hơn để phòng thủ, cũng như tấn công các mục tiêu của Nga.