Mở nắp, uống chai nước lạnh trong những ngày nắng nóng là một điều thú vị. Nhưng mùa hè này tại châu Âu, người tiêu dùng sẽ nhận thấy một sự thay đổi ở các nắp chai nhựa. Thay vì tách rời với chai nhựa như trước đây, giờ nắp gắn luôn vào thân chai.
Có người tiêu dùng thích thú nhưng một số khác lại cho rằng kiểu nắp chai mới gây bất tiện khi uống trực tiếp hoặc rót ra cốc.
Trước đây những chiếc nắp đều tách rời với chai nhựa và chúng có thể bị rơi không được tái chế lại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Một lượng lớn nhựa không được tái chế và trôi ra đại dương. Các nhà nghiên cứu ước tính việc sản xuất và đốt nhựa thải hơn 850 triệu tấn khí nhà kính vào khí quyển vào năm 2019.
Theo quy định mới của EU, nắp buộc phải thiết kế gắn vào thân chai, do đó không còn bị bỏ sót mà sẽ được tái chế cùng với toàn bộ thân chai. Điều này sẽ làm tăng đáng kể việc tái chế nhựa, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Tháng 5/2018, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành Chỉ thị 2019/904 quy định việc sử dụng các sản phẩm bao bì nhựa thải bỏ, trong đó yêu cầu nắp của tất cả chai nhựa phải được nối với thân. Đây là một phần trong chỉ thị của EU nhằm mục đích giảm rác thải nhựa sử dụng một lần. Quy định này sẽ triển khai rộng rãi ở châu Âu vào tháng 7/2024.
EU đang thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu lượng rác thải nhựa. Hiện mới có gần 1/3 lượng rác thải nhựa ở châu Âu được tái chế. Mục tiêu đến 2025, châu Âu sẽ tái chế 90% các loại rác thải nhựa.
Coca-Cola là một những công ty đầu tiên sử dụng nắp kiểu mới này tại châu Âu. Agnese Filippi, giám đốc của Coca-Cola Ireland, cho biết sự thay đổi nhỏ nhưng có thể tác động lớn, đảm bảo rằng người tiêu dùng tái chế chai nhựa mà không bỏ sót nắp chai nào.
Thực tế, các công ty đồ uống không phải lúc nào cũng muốn thay đổi thiết kế chai nhựa của họ. Khi các quy định mới về chai nhựa của EU công bố lần đầu tiên vào năm 2018, họ đã phản đối vì cho rằng có thể gia tăng lượng nhựa, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Các quốc gia thành viên EU có thể tự đặt ra các yêu cầu thiết kế riêng, miễn là nắp vẫn được gắn vào vỏ chai sau khi sử dụng. Do đó, thiết kế nắp chai như của Coke không phải là duy nhất. Tuy nhiên, đây là thiết kế phổ biến được nhiều công ty đồ uống khác áp dụng.
Bên cạnh đó, chương trình gửi và hoàn trả (DRS - Deposit and Return Scheme) được triển khai ở nhiều nước châu Âu cũng mang lại những hiệu quả tích cực. Cụ thể, khách hàng phải trả một khoản phí đặt cọc khi mua đồ uống đựng trong chai nhựa, lon nhôm dùng một lần. Khoản tiền này sẽ được hoàn khi người tiêu dùng trả lại hộp rỗng.
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng hưởng lợi vì tỷ lệ thu vỏ chai về càng cao thì khoản thuế môi trường họ phải nộp cũng càng ít hơn. Ngay cả khi người mua vứt các vỏ lon đó đi, những người tìm được và chủ động thu gom sẽ nhận được khoản tiền đặt cọc này.
Không chỉ nắp nhựa, EU còn có nhiều quy định khác. Ủy ban châu Âu đã đề xuất các quy định mới trên toàn EU về bao bì, bao gồm cả việc cải thiện thiết kế bao bì, với các nhãn mác được ghi chú rõ ràng nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng và tái chế, đồng thời kêu gọi người dân chuyển đổi sang sử dụng nhựa sinh học, loại có thể phân hủy.
(Theo Euronews)